Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 148/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng.
Trong lĩnh vực chứng khoán, cá nhân thực hiện giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên trong 1 ngày thuộc diện giao dịch lớn cần báo cáo để kiểm soát - Ảnh minh họa |
Báo cáo các giao dịch lớn từ 200 triệu đồng tiền mặt trở lên
Điểm đáng chú ý của Thông tư này là Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo các giao dịch lớn trong chứng khoán, bảo hiểm và trò chơi giải trí có thưởng, qua đó để rà soát các giao dịch đáng ngờ, phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.
Các giao dịch được xác định là có giá trị lớn, phải tiến hành rà soát, sàng lọc và thực hiện chế độ báo cáo gồm:
Trong lĩnh vực chứng khoán, nhà đầu tư thực hiện một hay nhiều giao dịch mua hoặc bán chứng khoán bằng tiền mặt trong 1 ngày có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (đối với cá nhân) và từ 500 triệu đồng trở lên (đối với tổ chức). Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức giao dịch chứng khoán, lưu ký, bù trừ, thanh toán... sàng lọc các giao dịch này để phát hiện giao dịch đáng ngờ.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, khách hàng đóng phí bảo hiểm một hoặc nhiều lần trong một 1 ngày bằng tiền mặt cho hợp đồng bảo hiểm cá nhân có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Còn đối với lĩnh vực trò chơi giải trí có thưởng, khách hàng là cá nhân thực hiện một hoặc nhiều giao dịch mua vé xổ số, vé đặt cược, đồng tiền quy ước bằng tiền mặt trong 1 ngày có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Sử dụng lại tài khoản không giao dịch trên 1 năm là giao dịch đáng ngờ
Thông tư cũng quy định, tài khoản của khách hàng không giao dịch trên 1 năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý nào thuộc diện giao dịch đáng ngờ.
Ngoài ra, giao dịch đáng ngờ còn được xác định dựa trên các dấu hiệu như: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng...
Bộ Tài chính yêu cầu, khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, doanh nghiệp kinh doanh, môi giới bảo hiểm; cá nhân, tổ chức tham gia phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, tổ chức giao dịch chứng khoán, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán; doanh nghiệp kinh doanh xổ số, casino... phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 48 giờ làm việc kể từ thời điểm phát hiện hoặc có lý do để tin rằng giao dịch đáng ngờ đã hoặc đang diễn ra.
Theo chinhphu.vn