Ngày 1/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi lãnh đạo các ngân hàng hội viên, đề nghị giảm lãi suất huy động và cho vay.
Theo phân tích của VNBA, nguồn vốn huy động cho vay đã được mở rộng hơn do một phần tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền gửi Kho bạc Nhà nước và các khoản vay của các tổ chức tín dụng có kỳ hạn 3 tháng trở lên được cho phép tính vào nguồn vốn huy động để cho vay (theo sửa đổi Thông tư 13). Về phần cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã loại trừ phần bảo lãnh khỏi dư nợ. Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký VNBA, khi các quy định trên có hiệu lực, các ngân hàng thương mại dễ dàng được tiếp cận nguồn vốn rẻ (lãi suất liên ngân hàng hiện nay chỉ xoay quanh 8%-9%), nên các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Mặt khác, để tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng hoạt động của thị trường mở, bổ sung thêm kỳ hạn giao dịch, giảm nhẹ lãi suất giao dịch thị trường mở; lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu tiếp tục ổn định ở mức thấp; mở rộng nghiệp vụ swap ngoại tệ…
Với những lý do đó, VNBA cho rằng đây là những thuận lợi cơ bản, là điều kiện cần thiết để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm tiếp lãi suất huy động và lãi suất cho vay, dần tiến tới mục tiêu như Chính phủ chỉ đạo.
Cụ thể, VNBA đề nghị các tổ chức hội viên thực hiện sự đồng thuận giảm lãi suất huy động từ mức 11,2%/năm hiện nay xuống mức không vượt quá 11%/năm. Riêng lãi suất không kỳ hạn và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng, VNBA đề nghị các ngân hàng có mức điều chỉnh giảm mạnh hơn để tạo đường cong lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn dài hạn. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất huy động không kỳ hạn lên đến 4,8%/năm.
Theo SGGP