Công trình nước sinh hoạt xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) được đầu tư tiền tỉ, dù được bổ sung bể lọc cát, sạn, thiết bị xử lý vi sinh, sửa chữa đường ống... nhưng chất lượng nước vẫn không đạt yêu cầu. Hàng trăm hộ dân vẫn phải dùng nước giếng để uống.
Bà con xóm Than, thôn Triêm Đức không dám dùng nước sinh hoạt để uống, chỉ để giặt giũ - Ảnh: P.NAM
NƯỚC VẪN NHIỄM PHÈN
Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, sở đã đề nghị cán bộ quản lý thực hiện đúng quy trình xử lý vật liệu học. Về khắc phục hệ thống thiết bị xử lý vi sinh bị hư hỏng, sở cũng đã kiến nghị huyện Đồng Xuân xem xét hỗ trợ kinh phí.
Để giải quyết nhu cầu cấp thiết nước sinh hoạt cho người dân, năm 2005 Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư gần 1 tỉ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2. Công trình gồm ba giếng đào, cung cấp nước cho 240 hộ dân ở xóm Trường, xóm Than, xóm Phúc Huệ và được bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành. Theo người dân địa phương, khi đưa công trình vào sử dụng, nước bị nhiễm phèn và có màu đục như nước gạo nên không ai sử dụng. Bà Nguyễn Thị Tràng ở xóm Than bức xúc: “Nước sạch gì mà đục như nước gạo, lại có mùi hôi nên không thể sử dụng được, chỉ để rửa chén, giặt giũ”. Khắc phục tình trạng trên, năm 2008, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư thêm gần 1 tỉ đồng sửa chữa đường ống dẫn nước qua suối và xây dựng bể lọc, thiết bị diệt vi sinh, đồng thời xây dựng tường rào, cổng nhà trạm, sân. Năm 2009 tiến hành kiểm tra mẫu nước của công trình, kết quả nguồn nước đạt vệ sinh, riêng chỉ tiêu hóa lý chưa đạt. Nguyên nhân là do công tác quản lý vật liệu lọc chưa đảm bảo quy trình làm cho hàm lượng hữu cơ, sắt tích tụ trên mặt vật liệu thấm qua lớp lọc, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo và có màu vàng đục.
Thực tế, nguồn nước của công trình nước sinh hoạt xã Xuân Quang 2 không chỉ có màu vàng đục mà còn bị nhiễm phèn nặng và hoạt động cầm chừng vì không đủ nước. Ông Hồ Trương Phong, phụ trách vận hành công trình nước này cho biết: “Sau đợt mưa lũ năm 2009, các vị trí bị hư hỏng đã được sửa chữa. Tháng 7 vừa qua, cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh trực tiếp hướng dẫn thay cát lọc, vệ sinh hồ chứa. Hiện nay, do không đủ nước nên phải phân giờ cấp luân phiên, mỗi xóm từ 3 đến 4 giờ/ngày”. Tuy đã được nâng cấp, sửa chữa, nhưng hiện không một hộ dân nào ở thôn Triêm Đức sử dụng nước của công trình phục vụ cho việc ăn, uống. Bà Hồ Thị Thiện ở xóm Than cho biết, nước đã bớt đục nhưng vẫn không thể nào uống được vì phèn nhiều.
NHIỀU VƯỚNG MẮC
Chất lượng nước không đảm bảo, hoạt động chập chờn…, trong khi đó giá nước lại quá cao so với thu nhập của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Tràng ở xóm Than than phiền: “Nước không uống được, lại thu 3.000 đồng/m3, trong khi đó giá 1m3 nước sạch ở TP Tuy Hòa chỉ 2.500 đồng. Nước chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ mà hàng tháng lại phải trả 80.000 – 100.000 đồng”.
Thôn Kỳ Đu có hơn 70 hộ, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như không hộ nào đóng tiền nước. Ông Nguyễn Ngọc Thường, quản lý công trình cấp nước phân trần: “Nước không đủ cấp, chất lượng chưa đảm bảo, giá lại cao là những nguyên nhân dẫn đến người dân không đóng tiền sử dụng nước. Bình quân mỗi tháng, xã phải trả 3 – 4 triệu đồng tiền điện để vận hành công trình, trong khi tiền từ nước chỉ trên dưới 1,5 triệu. Sắp tới đây, khi hai khu tái định cư Triêm Đức 1 và Triêm Đức 2 đưa vào sử dụng, chắc chắn tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ càng trầm trọng hơn”. Ông Nguyễn Ngọc Thường cho biết thêm, để cung cấp đủ nước, đạt chất lượng cho người dân thì phải đầu tư xây dựng công trình cấp nước mới có công suất lớn. Cần thăm dò kỹ lưỡng nguồn nước mạch theo quy định trước khi xây dựng công trình”.
PHƯƠNG