Vụ chế biến tinh bột sắn 2010-2011 bắt đầu cách đây hơn một tháng. Giá sắn nguyên liệu năm nay tăng cao hơn năm ngoái, giúp người trồng sắn có lãi. Dự báo vụ sắn năm nay sẽ bội thu cho cả người trồng lẫn nhà máy, tuy nhiên, vấn đề thiếu nguyên liệu lại tiếp tục đặt ra.
Bãi chứa sắn của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân. - Ảnh: T.QUỚI
SẮN NGUYÊN LIỆU VỀ CẦM CHỪNG
Đang vào vụ sản xuất nhưng đoạn đường trước cổng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân xe chở sắn đợi vào nhà máy không nhiều như những năm trước. Anh Nguyễn Văn Bảy, một lái xe nói: “Thời điểm này năm trước, chúng tôi phải xếp hàng chờ khá lâu, thậm chí có khi đến hai ngày mới tới lượt chở sắn nguyên liệu vào nhà máy vì lượng xe chờ rất nhiều. Nhưng năm nay có vẻ ít sắn, chỉ chờ vài giờ là đến lượt vào bàn cân ngay”.
Ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết, nhà máy khởi động vụ chế biến mới từ ngày 16/8. Đến thời điểm này, nhà máy đã chế biến gần 20.000 tấn sắn nguyên liệu, tương đương khoảng 5.000 tấn tinh bột.
Sắn về nhà máy trong thời điểm đầu mùa chủ yếu là thu hoạch trên một phần diện tích của vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Đồng Xuân gần bờ sông, khu ngập trũng. Phần lớn nguyên liệu còn lại là do thương lái mua từ các huyện Vân Canh, Tây Sơn (tỉnh Bình Định) và tỉnh Khánh Hòa chở đến.
Giá mua sắn nguyên liệu tại bàn cân nhà máy là 2.250 đồng/kg sắn có độ bột 30%. Đây là mức giá cao nhất mà nhà máy này áp dụng từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu của bộ phận đo độ bột thì do sắn đầu vụ còn non tháng (7 tháng), thu hoạch chủ yếu là để chạy lũ nên độ bột không cao, khoảng từ 20-25%. Giá thấp nhất nhà máy mua vào là 1.950 đồng/kg.
Trước đó, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh cũng vào vụ sản xuất với khí thế hồ hởi. Ông Huỳnh Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh cho biết: “Nhà máy chúng tôi đi vào hoạt động từ ngày 9/8, mỗi ngày chế biến bình quân 450- 500 tấn củ. Dự báo năm nay giá nguyên liệu tiếp tục tăng vào thời điểm cuối vụ”. Giá mua vào tại bàn cân nhà máy này là 2.050đồng/kg đối với sắn có độ bột 30%. So với vụ năm trước giá đầu vụ có cao hơn, nhưng chưa bằng thời điểm cuối vụ 2009-2010 (2.150 đồng/kg).
Theo nhiều bà con trồng sắn, năng suất sắn vụ này bình quân 1ha đạt khoảng 18 tấn. Với giá hiện tại, nông dân thu khoảng 40 triệu/ha, trừ các khoản chi phí, còn lãi trên dưới 30 triệu/ha.
KHẢ NĂNG THIẾU NGUYÊN LIỆU
So với niên vụ 2009-2010, vùng nguyên liệu sắn cho cả hai nhà máy đều không tăng, thậm chí giảm so với vụ trước. Vùng nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh bình ổn, nhưng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân, vùng nguyên liệu giảm gần 1.000 ha. Ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: Mới đầu vụ, nhưng nhà máy đã phải mua gom ở các vùng nguyên liệu ngoài tầm quản lý. Năm nay, dự ước vùng nguyên liệu truyền thống của nhà máy chỉ khoảng 6.900ha, so với năm ngoái giảm 13% diện tích. Nguyên nhân, do một số diện tích nông dân chuyển đổi cây trồng, một số khác vì ảnh hưởng đợt khủng hoảng thiếu hom giống đầu năm.
Để bù lại sự sụt giảm về diện tích, từ đầu năm cả hai nhà máy tích cực hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật canh tác để tăng năng suất. Bộ phận kỹ thuật nông vụ của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân đã hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc và phun thuốc Mosat để dưỡng lá, kích thích tăng trưởng. Mô hình này năm trước Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã áp dụng thành công, giúp tăng năng suất sắn khoảng 20%/ha. Các ông Nguyễn Văn Mười (xã Xuân Lãnh), Nguyễn Văn Ngọc (Xuân Quang 1) và nhiều hộ trồng sắn ở huyện Đồng Xuân áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc của nhà máy hỗ trợ cho biết, cây sắn của họ phát triển tốt hơn mọi năm.
Theo ông Lê Văn Tâm, mặc dù năng suất có khả năng cao hơn, nhưng dự báo nguyên liệu cho nhà máy lại thiếu, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang phục hồi và có nhu cầu cao. Chỉ tiêu đầu năm 2010 huyện Đồng Xuân giao cho nhà máy là 23.000 tấn thành phẩm, nhưng tới thời điểm này mới chỉ đạt 11.000 tấn. Với tình hình này, dự ước năm nay nhà máy chỉ đạt khoảng 18.000 tấn.
Ông Huỳnh Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn FOCOCEV Sông Hinh cũng cho hay, nhà máy đang lên kế hoạch điều tiết nhập nguyên liệu rải đều đối với vùng nguyên liệu cơ hữu của nhà máy và các vùng nguyên liệu khác, tránh tình trạng cuối vụ khan hiếm nguyên liệu, không đủ cho nhà máy hoạt động.
TRẦN QUỚI – PHƯƠNG