Bên cạnh các phương pháp sản xuất lúa cho năng xuất cao, mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đang được triển khai trên lúa hè thu ở huyện Phú Hòa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nông dân. Đây là một trong những mô hình cụ thể hóa chính sách “Tam nông”, là cầu nối giữa bà con nông dân với các nhà khoa học trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Để mô hình được nhân rộng và phát triển thành sản xuất hàng hóa, cần có sự quan tâm của các ngành chức năng.
Nông dân huyện Phú Hòa tham quan mô hình sản xuất lúa năng suất cao. - Ảnh: P.NAM
TIẾT KIỆM CHI PHÍ, TĂNG NĂNG SUẤT
Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” được cán bộ kỹ thuật của Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam (BVTV), Chi cục BVTV Phú Yên và Công ty BVTV An Giang tiếp tục triển khai trên diện tích gần 15ha lúa hè thu, với sự tham gia của 115 nông dân ở các Hợp tác xã Hòa Thắng 2, Hòa Trị và Hòa An (Phú Hòa). Công ty BVTV An Giang cho biết, trước khi áp dụng trên đồng ruộng, trên cơ sở lý thuyết đã được tập huấn, cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp hướng dẫn cụ thể từng công đoạn như làm đất, bón phân, ngâm ủ, xử lý đồng ruộng; kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng, các biện pháp quản lý cỏ dại và sâu bệnh từ giai đoạn đầu vụ đến cuối vụ; cách bón phân cân đối, các biện pháp chăm sóc và quản lý dịch hại giai đoạn giữa vụ đến cuối vụ… nên hiệu quả bước đầu mang lại là rất khả quan.
Kết quả đánh giá trên cây lúa vụ hè thu 2010, với các loại giống ML 4-2, ML 213, ML218, ML 68, ML 216… áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa đã tiết kiệm được lượng giống từ 80 – 120 kg/ha, cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh sớm và tập trung hơn, đặc biệt là giảm thiểu ảnh hưởng của dịch hại, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo đạt năng xuất cao. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, với diện tích 500m2, gồm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, thì phương pháp mới giảm hơn 110.000 đồng chi phí sản xuất trong khi năng xuất tăng gần 50kg, lợi nhuận hơn 300.000 đồng. Anh Hồ Ngọc Lý, nông dân thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng cho biết: “Mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đang được bà con nhân rộng. Vụ này tôi xuống giống 5 sào, thu 1,6 tấn. Sau khi trừ chi phí, lãi ròng gần 1 triệu đồng”. Theo anh Lý, nếu dùng cách cũ với diện tích trên phải mất 50kg lúa giống, nhưng khi áp dụng phương pháp mới chỉ cần 30kg. Còn chị Nguyễn Thị Đào cũng ở thôn Mỹ Thành thì cho hay: “Ngoài việc lợi giống, tiết kiệm chi phí, phương pháp sạ hàng, sạ thưa còn hạn chế các dịch hại. Vụ hè thu vừa qua, trong khi lúa trổ gặp thời tiết mưa, gió nhiều, bệnh khô vằn phát triển mạnh, nhờ mô hình “Cùng nông dân ra đồng” bà con đã kịp thời phát hiện và được hướng dẫn xử lý, nên tỉ lệ lem lép hạt và nhiễm bệnh khô vằn thấp hơn so với những chân ruộng khác”.
Mô hình này còn giúp nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chủ động thăm đồng, phòng trừ dịch hại, mạnh dạn áp dụng trên diện tích ngoài mô hình, đồng thời gắn kết tình làng, nghĩa xóm, các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nhà nông… và trang bị thêm kinh nghiệm sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân các vùng lân cận.
SẢN XUẤT HÀNG HÓA, CÁCH NÀO?
Nhiều năm qua, hàng loạt các mô hình, lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi nói chung, sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao được các ngành chức năng tổ chức, nhưng do thiếu sự quan tâm nên hầu hết chỉ dừng lại ở diện tính nhỏ lẻ, thiếu tính đồng nhất, thậm chí còn chồng chéo giữa các mô hình. Có những chương trình, dự án sau khi thử nghiệm, báo cáo là có hiệu quả, nhưng chỉ được một thời gian ngắn là ngừng hẳn, rồi lại tiếp tục ra đời chương trình dự án mới… gây lãng phí tiền của, công sức, mà người dân không hề được hưởng lợi, thậm chí còn “ngán ngẩm” vì không có hướng đi thích hợp, bền vững.
Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” ở Phú Yên tuy mới được áp dụng trên diện tích nhỏ tại huyện Phú Hòa, song bước đầu đã thay đổi tập quán sản xuất của không ít nông dân. Theo kĩ sư Hồ Xuân Tịnh - Công ty cổ phần BVTV An Giang, đối với nông dân hiệu quả kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất. Đây cũng chính là hướng để các nhà khoa học nghiên cứu những biện pháp giảm chi phí đến mức thấp nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tiến tới sản xuất hàng hóa đại trà.
Trên thực tế, người trồng lúa ở Phú Yên chưa tiếp cận được phương pháp sản xuất lúa mang tính hàng hóa, sản phẩm làm ra chỉ để trang trải cái ăn trước mắt, một số ít đem bán ra thị trường với giá thấp vì chất lượng gạo không được thơm ngon như một số vùng chuyên canh cây lúa trong nước, nên chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi chất lượng hạt gạo của người tiêu dùng có thu nhập cao. Mặt khác, hầu hết các mô hình sau khi thử nghiệm đã đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng chưa được nhân rộng, như mô hình thay đổi cơ cấu giống, sử dụng giống xác nhận, sạ hàng, sạ thưa, xử lý Cruiser Plus, quy trình bón phân hợp lý… Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua 4 vụ thực hiện mô hình này ở Phú Yên, có trên 90% nông dân tham gia và thấy được lợi ích của việc sạ hàng và đa số đều áp dụng nhân rộng trên những diện tích ngoài mô hình. Nhiều hộ đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống mới, thay vì lấy lúa thịt bản địa làm giống, vì qua thời gian sử dụng lại nhiều lần, giống bị thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh, dẫn đến năng xuất, chất lượng thấp.
Để sản xuất lúa hàng hóa, nhiều nông dân mong muốn, các ngành chuyên môn cần xác định chủng loại giống nào có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Phú Yên để phổ biến đồng loạt cho bà con áp dụng nhân rộng. Sản phẩm làm ra phải được gặt hái và sấy khô ngay trên đồng ruộng. Trong thu mua, cần có chính sách bảo hiểm giá, nơi tiêu thụ ổn định…
PHƯƠNG