Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch là một trong những vấn đề cần được quan tâm khi Phú Yên đang ráo riết chuẩn bị cho sự kiện lớn năm 2011: kỷ niệm 400 năm Phú Yên xây dựng và phát triển và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011. Dự báo nhu cầu là rất lớn, nhưng số nhân lực hiện có và người theo học lĩnh vực này còn rất khiêm tốn.
Một tiết thực hành nghiệp vụ nhà hàng của học viên ngành Du lịch Trường Cao đẳng nghề Phú Yên - Ảnh: CĐN |
NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH: THIẾU VÀ YẾU
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, đến nay tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn của tỉnh có 2.190 người. Trong đó, số lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên đại học 6 người, trình độ đại học, cao đẳng 197 người, trung cấp chuyên nghiệp 365 người, sơ cấp 473 người, còn lại là lao động được đào tạo tại chỗ và học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn hoặc chưa được đào tạo mà chỉ vừa làm, vừa học với sự chỉ dẫn, giúp đỡ của đồng nghiệp. Nếu tách số liệu trên về lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch chỉ có 206 lao động, trong đó: đại học, cao đẳng 42 người; trung cấp 67 người; sơ cấp 97 người.
Thực tế cho thấy, lao động trong các doanh nghiệp du lịch chỉ có khoảng 10% đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch, số còn lại là lao động phổ thông. Chất lượng lao động trong ngành Du lịch Phú Yên còn thấp, số lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học còn quá ít, nên công tác tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động du lịch còn hạn chế.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, để chuẩn bị cho những sự kiện kỷ niệm 400 năm Phú Yên xây dựng và phát triển và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 thì số lao động hiện có không thấm vào đâu. Ít nhất năm 2011, du lịch Phú Yên cần đến trên 4.000 lao động (1.500 lao động trực tiếp và 2.500 lao động gián tiếp). Đến năm 2015 cần đến trên 8.000 lao động (3.000 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp).
TUYỂN SINH NHƯNG KHÔNG CÓ NGƯỜI HỌC
Từ năm 2005, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên mở khóa đào tạo đầu tiên lao động (công nhân bậc 3/6) lĩnh vực nhà hàng. Qua từng năm, trường đã nỗ lực đầu tư nâng cấp chất lượng đào tạo từ trình độ công nhân lên sơ cấp, trung cấp. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho các lao động đã làm việc song, vẫn không thu hút được người học. Ông Lâm Đạo Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Từ năm 2005 đến nay trường chỉ tuyển sinh đào tạo được 51 lao động hệ công nhân (bậc 3/6), 47 lao động hệ trung cấp, 114 lao động bồi dưỡng ngắn hạn một số kỹ năng nghiệp vụ. Còn ông Phan An Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trăn trở: Nhận thức được nhu cầu nhân lực cho ngành du lịch, trường đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, liên hệ đầu ra cho học viên, hàng năm số học viên của trường tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Thế nhưng số học viên đăng ký quá ít. Năm 2010 chỉ tiêu mở lớp là 30 học viên nhưng đến nay mới có 11 học viên đăng ký.
Mặc dù vậy, theo ông Định, trường vẫn tiếp tục xem đây là một trong những nghề đào tạo chính của trường. Hiện nhà trường đang có phương án nâng cấp cơ sở vật chất với kinh phí hơn 1 triệu USD từ nguồn vốn của Ngân hàng châu Á (ADB) đã được Chính phủ phê duyệt.
Tương tự, từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên chỉ đào tạo 356 học viên tốt nghiệp trung cấp Du lịch. Hầu hết những học viên sau khi tốt nghiệp đều vào Nha Trang làm việc. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên, nói: “Phú Yên hiện chưa thu hút học sinh dự tuyển ngành du lịch. Bởi vì, công tác tuyên truyền về tiềm năng, nhu cầu lao động chưa mạnh mẽ; thu nhập hiện tại ở những doanh nghiệp du lịch thấp không hấp dẫn được người lao động. Ngay cả cơ quan có trách nhiệm cũng chưa mặn mà về đào tạo. Trước đây, trung tâm đã trình đề án đào tạo nguồn nhân lực chuyên về du lịch, tổ chức sự kiện nhưng tỉnh chưa phê duyệt vì vướng kinh phí. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên ký hợp đồng với trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn cho 80 học viên là lao động đang làm việc ở các nhà hàng khách sạn, công ty lữ hành nhưng tuyển không đủ chỉ tiêu...
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao - Du lịch Phú Yên Trần Quang Nhất, cho biết: Sở cũng xác định vấn đề nhân lực cho ngành du lịch hiện nay là rất bức bách. Chúng tôi đã đề ra một số giải pháp cấp bách và lâu dài, trước mắt là để chuẩn bị cho sự kiện 400 năm Phú Yên và Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên năm 2011.
Một số giải pháp cho nhân lực của ngành Du lịch - Các cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường công tác đào tạo tại chỗ. - UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho Sở Văn hóa, Thể Thao - Du lịch mở các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch bằng nguồn ngân sách. - Thực hiện có hiệu quả về chính sách thu hút trí thức, ưu tiên cho lĩnh vực du lịch. Thực hiện tốt chính sách cán bộ như: quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện. - Xây dựng đề án lập khoa Du lịch hoặc bộ môn du lịch nằm trong Khoa Kinh tế có đào tạo cấp bằng đại học chuyên ngành du lịch của Trường Đại học Phú Yên. - Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch; Chương trình xúc tiến du lịch hàng năm để tỉnh tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến du lịch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Nguồn: Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch
TRẦN QUỚI