Phú Yên đang thực hiện thí điểm Liên hiệp HTX tại huyện Phú Hòa. Đây được coi là mô hình hợp tác mới nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của kinh tế tập thể hiện nay.
Xã viên HTX Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa) gặt lúa hè thu bằng máy gặt đập liên hợp - Ảnh: P.NAM
Phú Hòa là địa phương có phong trào kinh tế tập thể phát triển khá mạnh ở Phú Yên với 14 HTX, thu hút trên 54.000 xã viên và 113 cán bộ quản lý. Tổng vốn kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện hơn 40 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 29,7 tỉ đồng. Các HTX ở huyện này đang xúc tiến để sớm ra mắt Liên hiệp HTX Phú Hòa. Đây là mô hình hợp tác mới dựa trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi giữa các hợp tác xã, là sự phát triển các hình thức liên kết ngang trong nông dân và liên kết dọc nông dân - doanh nghiệp. Đây cũng là mô hình thí điểm nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của kinh tế tập thể trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Liên hiệp HTX sẽ thực hiện vai trò đầu mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; là trung tâm tập hợp, nghiên cứu, cung cấp mọi thông tin có liên quan đến hoạt động của các HTX.
Sự cần thiết để đầu tư cho mô hình liên hiệp HTX xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội và phù hợp với nguyện vọng của đại bộ phận nông dân. Thứ nhất, trên lĩnh vực tín dụng nội bộ, phần lớn các HTX đều có nhu cầu về vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, thay thế máy móc, thiết bị kém hiệu quả. Vấn đề của các HTX là khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng, do các món vay nhỏ, không có tài sản pháp lý để thế chấp, thủ tục còn khá phức tạp. Từ đó, nguồn vốn tín dụng nội bộ sẽ làm được nhiệm vụ là người đỡ đầu cho HTX phát triển, do có điều kiện gần gũi hơn, nắm bắt sâu sát nhu cầu thực tế của thành viên. Thứ hai, về các dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất: Hàng năm, khi vào vụ sản xuất, xã viên HTX có nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Nông dân nghèo thường bị tư thương ép giá, phải mua trả chậm và trả lãi suất cao làm đội chi phí, giảm lợi nhuận. Chủ trương của liên hiệp HTX là sẽ triển khai một phương án kinh doanh trên tinh thần vì lợi ích của các xã viên. Sản phẩm sẽ đa dạng theo đơn đặt hàng của các HTX thành viên và đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả hợp lý.
Dự kiến Liên hiệp HTX Phú Hòa sẽ có 13 HTX tham gia góp vốn, với số vốn điều lệ ban đầu 3 tỉ đồng, vốn vay các nguồn khác khoảng 2 tỉ đồng. Bước đầu có 4 HTX hội đủ điều kiện tham gia vào liên hiệp. Hiện Ban vận động đang tiếp tục vận động các thành phần kinh tế khác tham gia trên tinh thần tự nguyện. Tùy theo số lượng thành viên sẽ quy định mức đóng góp cụ thể. Phương án SXKD gồm các ngành nghề như: giết mổ gia súc, gia cầm; xây dựng dân dụng; mua bán và xay xát gạo; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp; mua bán vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nước uống tinh khiết; kinh doanh xăng dầu; khai thác và kinh doanh khoáng sản.
Mục tiêu chính của liên hiệp là tổ chức hoạt động SXKD để đạt lợi nhuận cao nhất, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho các thành viên, đáp ứng các yêu cầu phúc lợi xã hội khác. Ngoài ra, hoạt động của liên hiệp HTX sẽ còn mở rộng trên lĩnh vực tìm kiếm thông tin, nối kết thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để chủ động trong sản xuất và nâng chất lượng sản phẩm. Điều này nhất định sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nông dân, mà trước nhất là các xã viên HTX thành viên.
Hiện nay, hầu hết các HTX trên địa bàn Phú Hòa đều có năng lực SXKD còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, vốn ít, phạm vi hoạt động bó hẹp trong huyện, nắm bắt thông tin chưa kịp thời, ứng dụng KH-CN trong sản xuất còn chậm... Nếu muốn tồn tại và phát triển, chỉ có cách liên kết các HTX lại thành liên minh với tài, lực đủ mạnh. Khi đó, kinh tế hợp tác mới có thể nghĩ đến chuyện cạnh tranh, tập trung năng lực SXKD để mở rộng quy mô, thực hiện tốt các dịch vụ cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, có điều kiện giúp các HTX thành viên làm giàu chính đáng.
BẢO PHƯỚC
(Liên minh HTX Phú Yên)