Tiến sĩ Keiji Takasu ở Trường Đại học Kyusu (Nhật Bản) vừa có chuyến đi thực tế đến tỉnh Phú Yên để nghiên cứu bọ cánh cứng hại dừa. Tiến sĩ Keiji Takasu cho biết:
- Thời gian qua, do tình hình thời tiết khắc nghiệt nên so với các nước trong vùng như Thái Lan, Campuchia, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì ở Phú Yên bọ cánh cứng hại dừa nặng hơn.
Tiến sĩ Keiji Takasu khảo sát vườn dừa TX Sông Cầu – Ảnh: H.NAM
* Tiến sĩ có thể nói cụ thể nặng hơn thế nào?
- Tôi chưa phân tích số liệu về bọ dừa ở Phú Yên, nhưng qua hiện trạng thì thấy rằng bọ dừa gây hại ở Phú Yên khá nặng. Chẳng hạn, ở các vùng dừa khác như các tỉnh ĐBSCL hiện nay bọ dừa gây hại khoảng 20%, còn ở Phú Yên thì hầu hết các lá đều bị hại, ngay cả các lá ra thời gian trước đây. 10 năm trước thì tình hình ở Thái Lan và ĐBSCL cũng giống như Phú Yên hiện nay, nghĩa là dừa bị bọ hại rất nặng. Song ở Thái Lan thì giờ đây tình trạng này không còn nữa; còn ở ĐBSCL, cách đây 6 tháng tôi có ghé thăm lại thì thấy rằng chỉ khoảng 15-20% số cây dừa bị hại và thỉnh thoảng mới thấy lá bị hại.
* Hiện nay Trường Đại học Kyusu đã đặt cơ sở nghiên cứu bọ dừa tại Bangkok (Thái Lan), vậy khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu này vào Việt Nam thế nào, thưa tiến sĩ?
- Thái Lan hầu như đã thành công trong việc trừ bọ dừa bằng việc phóng thích ong ký sinh Asecodes hispinarum ký sinh sâu non và Tetrastichus ký sinh nhộng bọ dừa, chúng đã thiết lập quần thể và phát huy tác dụng trong việc không chế sự phát triển của bọ dừa. Hiện nay, quần thể bọ dừa còn rất thấp, sau khi phóng thích ong ký sinh. Nhưng không phải ong ký sinh đã phát huy tác dụng ở tất cả các vùng dừa, ngay cả ĐBSCL cũng vậy, ong ký sinh Asecodes đã thiết lập quần thể và khống chế được bọ dừa, song vẫn còn một số ít cây dừa bị hại. Ngay cả ở Phú Yên, ong ký sinh cũng đã được phóng thích nhưng hiệu quả không rõ ràng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Asecodes không phòng trừ triệt để bọ dừa ở Phú Yên? Tôi cần tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Nhiều giả thuyết được đặt ra: Do phương pháp nuôi ong ký sinh hay phương pháp phóng thích ong ký sinh chưa phù hợp? Do điều kiện thời tiết không thích hợp cho ong ký sinh Asecodes phát triển? Đây là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi muốn đặt văn phòng nghiên cứu bọ cánh cứng hại dừa ở Phú Yên.
Một điều rất thú vị tôi được biết ở Phú Yên là Chi cục Bảo vệ thực vật đã tập huấn cho nông dân các vùng dừa về phương pháp nhân thả ong ký sinh trong cộng đồng. Ở Thái Lan, việc nhân thả ong ký sinh là do nhà nước đảm nhiệm mà nông dân không có liên quan, còn nông dân ở Phú Yên đã biết tự nhân thả ong ký sinh. Đó là điều rất tốt và tôi rất thú vị về việc làm này.
* Xin cảm ơn ông!
TX Sông Cầu là địa phương có diện tích dừa lớn nhất tỉnh Phú Yên, với 1.093ha, được thị xã xác định là một trong những loại cây trồng chiến lược. Theo Trạm Bảo vệ thực vật TX Sông Cầu, từ năm 2000, bọ cánh cứng hại dừa xuất hiện gây hại 860ha dừa, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhiều vườn dừa bị bọ cánh cứng tấn công nguy hại cấp 3, cấp 4 (trên 50% diện tích lá trên cây bị hại), thậm chí có nhiều diện tích dừa xơ xác tàu lá. Năm 2004, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên áp dụng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh chuyên tính để diệt trừ bọ cánh cứng, tuy nhiên biện pháp này không đạt hiệu quả cao. Trong hai năm 2007-2008, Trạm Bảo vệ thực vật TX Sông Cầu đưa mô hình nhân nuôi ong ký sinh tại chỗ. Bước đầu chọn ba điểm nuôi gồm các xã Xuân Bình, Xuân Thọ 2 và tại Trạm Bảo vệ thực vật. Ba điểm nuôi này đã phóng thích ra tự nhiên 10.000 mummies, mỗi mummies nở ra từ 90.000 -100.000 con ong ký sinh. Theo ông Trương Tấn Thị, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TX Sông Cầu, cần nhân nuôi lâu dài, nhân thả liên tục nhiều năm, nhiều vụ để trong quá trình đấu tranh chọn lọc ngoài tự nhiên tạo ra chủng ong thích ứng rộng hơn, phù hợp với thời tiết.
MẠNH HOÀI