Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh heo tai xanh ngày càng phức tạp, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Sông Hinh đang triển khai tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Với đặc điểm là địa phương giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk (đã công bố có dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày) nên huyện Sông Hinh rất quan tâm trong việc kiểm soát vận chuyển heo từ vùng dịch về địa phương...
Phun thuốc sát trùng tiêu độc đối với xe vận chuyển gia súc tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở xã Ea Ly (Sông Hinh) – Ảnh: A.NGỌC
Ông Hoàng Kim Chung, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: “Sau khi có các văn bản chỉ đạo của UBND huyện và Chi cục Thú y tỉnh, Tổ kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm của huyện đã lên kế hoạch kiểm soát mua bán, vận chuyển, giết mổ heo để phòng bệnh heo tai xanh. Theo kế hoạch, trong đợt I từ ngày 18/8 đến 6/9, Tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các lò giết mổ gia súc, việc mua bán tại các chợ và kiểm tra việc vận chuyển heo trên các tuyến đường ĐT649 từ thị trấn Hai Riêng đến xã Sông Hinh, ĐT645 từ thị trấn Hai Riêng đến xã Ea Ly”. Ngoài ra, UBND huyện Sông Hinh cũng đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện có phương án, kế hoạch cụ thể để chủ động phòng chống dịch bệnh khi xảy ra, chỉ đạo Chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở xã Ea Ly, Công an huyện, Đội quản lý thị trường số 7, UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm soát vận chuyển, mua bán, giết mổ heo và các sản phẩm từ heo, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực thú y. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh heo tai xanh, vận động các tổ chức, cá nhân trong từng thôn, buôn ký cam kết thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua heo bệnh, sản phẩm của heo bệnh; không bán chạy heo bệnh; không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường. Thực hiện tốt việc giám sát bệnh dịch trên đàn heo đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh, vận động người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… cho đàn gia súc nuôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi…
Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Sông Hinh, tiến độ tiêm phòng vắc xin LMLM đợt II/2010 có nhiều địa phương triển khai rất chậm, đặc biệt có xã chưa thực hiện như xã Ea Bá. Nhiều xã như Ea Lâm, Ea Trol người dân không hưởng ứng việc tiêm phòng cho đàn gia súc của mình. Công tác triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc đã chậm nhưng công tác phân phối và kế hoạch phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường phòng ngừa dịch bệnh lại càng chậm hơn. Theo Thông báo số 468 ngày 9/8 của UBND tỉnh Phú Yên về việc cấp miễn phí thuốc sát trùng tiêu độc môi trường phòng chống bệnh heo tai xanh, theo đó cấp 5.000 lít thuốc sát trùng Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho Phú Yên để các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường phòng ngừa dịch bệnh, riêng huyện Sông Hinh không cấp vì số lượng thuốc tồn từ năm 2009 chuyển sang là 1.271 lít. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch phân bổ số thuốc này về các địa phương trong huyện vẫn chưa được triển khai, số thuốc này vẫn còn nằm ở Trạm Thú y huyện Sông Hinh.
Tình hình kiểm soát vận chuyển gia súc, đặc biệt là vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo cũng được kiểm tra gắt gao. Ông Mai Xuân Lý, cán bộ thú y Trạm Kiểm dịch động vật Cư Prao thuộc Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk (Trạm kiểm dịch động vật giáp ranh với Phú Yên), cho biết: Ngày 12/8, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định số 2028/QĐ-UBND công bố dịch heo tai xanh trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết định nêu rõ, trong thời gian có dịch tạm ngừng vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm của heo ra vào tỉnh cho đến khi có quyết định công bố hết dịch. Các phương tiện giao thông trong vùng dịch đi ra đều phải tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ thú y về tiêu độc khử trùng theo quy định. Chủ vật nuôi có trách nhiệm tuân theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng… Từ khi có quyết định công bố dịch heo tai xanh của UBND tỉnh Đắk Lắk đến nay, chưa có chuyến xe nào vận chuyển heo qua trạm… Ông Trần Tiến Sỹ, cán bộ thú y Chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở xã Ea Ly, cho biết: Từ ngày 9 - 20/8, có 28 xe chở gia súc, gia cầm qua chốt, trong đó có 21 xe chở 332 con bò, 3 xe chở 91 con heo, 3 xe chở trứng và 1 xe chở phân bò. Tất cả 3 xe heo này đều có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y và vận chuyển từ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk về Phú Yên vào các ngày 11 và 12/8. Trong 21 xe chở bò từ Phú Yên đi Đắk Lắk, có một xe chở 18 con bò không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y nên bị xử phạt 1 triệu đồng và yêu cầu xe quay về nơi xuất phát để làm thủ tục kiểm dịch…
Ông Hoàng Kim Chung, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: “Sông Hinh hiện có 16 lò giết mổ gia súc, trong đó có 12 lò giết mổ heo, bình quân mỗi lò mổ từ 2-4 con/ngày. Hiện tại các chủ lò mổ gia súc đã ký cam kết không nhập heo không rõ nguồn gốc, không nhập heo từ vùng dịch, nếu phát hiện thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật… Việc triển khai công tác phòng bệnh heo tai xanh trên địa bàn huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ thú y quá ít so với địa bàn huyện miền núi rộng như Sông Hinh. Người dân địa phương không hợp tác với cán bộ thú y nên vấn đề tiêm phòng cho gia súc cũng như phát hiện sớm bệnh dịch gặp khó khăn. Có nhiều tuyến đường từ các tỉnh Tây Nguyên đến địa bàn huyện Sông Hinh, đặc biệt tuyến đường ĐT649 từ tỉnh Đắk Lắk (vùng đang xảy ra dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày) về xã Sông Hinh hiện chưa có chốt, trạm kiểm dịch động vật”.
ANH NGỌC – LÊ HẢO