Sau 10 năm tỉnh Phú Yên triển khai chương trình mía đường, cây trồng này đã trở thành cây giảm nghèo cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Mô hình trồng mía cho năng suất cao đem lại hiệu quả cho nông dân – Ảnh: N.TRƯỜNG
Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa qua hợp đồng, năm 2007 tỉnh Phú Yên đã phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía trên cơ sở phân vùng trước đây và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh là 17.500ha, trong đó vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa 4.500ha và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam 13.000ha. Ngoài ra, năm 2004 tỉnh cũng đã quy hoạch vùng nguyên liệu sắn trên cơ sở quỹ đất hiện có của các địa phương và nhu cầu chế biến của hai nhà máy chế biến tinh bột sắn với diện tích 9.500ha.
Nhờ việc phân vùng nguyên liệu rạch ròi đã tạo nên môi trường mua - bán mía sau thu hoạch đi vào quy củ, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, các doanh nghiệp tích cực đầu tư vùng nguyên liệu. Niên vụ 2003–2004 các doanh nghiệp đầu tư 5.784ha mía, đến niên vụ 2009 - 2010 diện tích mía tăng lên 16.353ha (bằng 93,4% diện tích mía quy hoạch). Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đầu tư 2.233ha, với số vốn trên 60 tỉ đồng; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) đầu tư 14.120ha, với số vốn trên 288 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nông dân vay vốn các ngân hàng mở rộng vùng nguyên liệu. Từ năm 2009 đến nay, có 3.700 hộ nông dân trồng mía, sắn trên địa àn tỉnh vay trên 97 tỉ đồng. Ông K V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, nói: Tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía. Đến nay, công ty đã đầu tư phát triển vượt diện tích vùng nguyên liệu được quy hoạch (14.120 ha). Thời gian tới, công ty tiếp tục cho công tác khảo nghiệm giống mía mới, thủy lợi, cơ giới hóa trong sản xuất”.
Với diện tích mía và công suất hoạt động của các nhà máy đã giải quyết trên 1.000 lao động làm việc tại các nhà máy với thu nhập ổn định gần 3 triệu đồng/tháng; tạo việc làm cho hàng vạn hộ nông dân ở khu vực nông thôn. Nông dân đã yên tâm sản xuất khi được nhà máy đầu tư giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo cho có lãi. Ông Nguyễn Văn Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa nói: “Thời điểm cuối vụ các nhà máy đường không có vùng nguyên liệu ổn định thường tăng giá mua mía để đáp ứng công suất của nhà máy. Vì thế, người nông dân trong vùng nguyên liệu thấy mình bị thiệt thòi, tuy nhiên họ quên rằng, đầu vụ họ đã được công ty đầu tư vốn rồi”. Về vấn đề này, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương, Thường trực Ban điều hành mía đường tỉnh Phú Yên, cho biết: “Tiêu chuẩn tối thiểu mà các nhà máy thu mua mía cho nông dân tại ruộng phải đảm bảo trên 65% giá đường bán buôn (trước thuế) để nông dân có lãi. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế thị trường mà Ban điều hành mía đường giám sát buộc các nhà máy tăng giá phù hợp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà máy và người nông dân”.
Khó khăn lớn nhất đối với nông dân là vẫn canh tác những giống mía K95, ROC 10, 16, 18, LK 9211… năng suất không cao. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, nói: “Những năm qua, số hộ trồng mía ở huyện Sơn Hòa liên tục tăng, nhưng năng suất thì không tăng do sử dụng các loại giống năng suất thấp, kỹ thuật canh tác hạn chế và nhất là không chủ động nguồn nước tưới”. Theo ngành NN-PTNT, hiện toàn tỉnh chỉ mới có khoảng 1.300ha trong tổng số 17.500ha trồng mía chủ động được nguồn nước tưới.
Theo đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành mía đường tỉnh, thời gian tới các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần giữ vững vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch, định hướng chung của tỉnh và nâng cao năng suất cây trồng. Dồn điền đổi thửa, tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững để có thể đầu tư thủy lợi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Khảo nghiệm, đưa các giống mía mới có năng suất cao vào sản xuất; hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới vào đồng ruộng…
TRẦN QUỚI