Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế cần tháo gỡ sau 4 năm triển khai. Đây được xem là văn bản quan trọng trong thể chế nền kinh tế thị trường nói chung và thể chế ngành Tư pháp nói riêng, tạo ra sự phát triển trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Khách hàng tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh Phú Yên. - Ảnh: K.CHI
Pháp luật về bán đấu giá tài sản tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá. Đặc biệt, từ khi có Nghị định 05, hoạt động bán đấu giá đạt được những kết quả đáng kể. Số vụ ủy quyền bán đấu giá được công khai, minh bạch, tài sản bán đấu giá cao hơn giá khởi điểm, nguồn thu ngân sách nhà nước tăng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản chưa được hoàn chỉnh, còn một số tồn tại nhất định, nhận thức của các cấp, ngành chưa thống nhất. Chính vì thế, sự ra đời của nghị định mới là bước đột phá trong hoạt động lĩnh vực này.
Theo nghị định mới, tài sản phải áp dụng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, bao gồm: Tài sản để thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản bảo đảm được xử lý bằng bán đấu giá; tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp cá nhân, tổ chức lựa chọn bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thì trình tự, thủ tục quy định tại nghị định này cũng được áp dụng.
NÂNG CAO TIÊU CHUẨN TRỞ THÀNH ĐẤU GIÁ VIÊN
Nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, nghị định mới quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên. Theo đó, đấu giá viên phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành Luật hoặc ngành Kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá. Do tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề đối với đấu giá viên được nâng lên, nên trách nhiệm pháp lý của họ cũng được nâng cao. Cụ thể, đấu giá viên được sử dụng quyền của mình để xử lý trực tiếp, kịp thời các hành vi thông đồng dìm giá hoặc vi phạm nội quy bán đấu giá của những người tham gia đấu giá. So với Nghị định 05, Nghị định 17 còn bổ sung quy định về việc cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của đội ngũ đấu giá viên.
Hiện nay, trong cả nước có 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 104 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Ngoài các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, còn có hai loại hội đồng: Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện được thành lập để thực hiện bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá. Với quy định rõ ràng như vậy sẽ góp phần khắc phục tình trạng thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản một cách tràn lan ở các địa phương. Theo quy định cũ, khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận không quá 5% giá khởi điểm là quá thấp, tiền đặt cọc quá nhỏ dẫn đến bỏ cuộc. Vì vậy, nghị định nâng mức tiền đặt trước cao hơn (tối thiểu 1% và tối đa không quá 15%) nhằm khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan hoặc vì mục đích vụ lợi.
HẠN CHẾ THÔNG ĐỒNG TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Nghị định 05 quy định trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá đã công bố người mua tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Nếu người liền kề không đồng ý mua hoặc giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá không thành và khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này đã bị lợi dụng, các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cố tình trả giá rất cao, được tuyên bố là người mua được tài sản rồi lại từ chối mua để người liền kề mua được tài sản và hai bên chia nhau số tiền chênh lệch. Do đó, nghị định mới đã sửa đổi theo hướng quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với người từ chối mua và hạn chế sự thông đồng giữa một số người tham gia đấu giá.
HUỲNH XUÂN
Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên