Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tháng 8/2009. TX Sông Cầu là một trong bốn địa phương của tỉnh thực hiện đề án này. Từ ngày đề án được triển khai, người dân được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, hưởng dịch vụ gần hơn...
Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên truyền thông CSSKSS cho người dân vùng biển Sông Cầu. - Ảnh: T.THẢO
TX Sông Cầu có 11/14 xã, phường thuộc vùng ven biển. Ở các vùng ven biển. Ở những là vùng bãi ngang, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn. Phần lớn phụ nữ ở các địa phương này mưu sinh bằng nghề mò bắt con dắt, con quy. Suốt ngày ngụp lặn, ngâm mình dưới nước nên không ít phụ nữ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Từ khi Đề án 52 được triển khai, phụ nữ ở đây được tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng thực hành các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các chuyên đề khác như: bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, từ đó họ ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS).
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Mỹ Thành, phường Xuân Thành) tâm sự: “Khi chưa có đề án này, chỉ khi nào có chiến dịch CSSKSS chúng tôi mới kiểm tra sức khỏe. Bây giờ, có đội truyền thông tư vấn lưu động nên chị em thường xuyên được nghe tuyên truyền về những kiến thức CSSKSS/KHHGĐ và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày để đảm bảo sức khỏe của mình”.
Mặc dù năm 2009, tỉ lệ sinh con thứ ba của TX Sông Cầu giảm còn 11,13% (toàn tỉnh 11,09%), tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới tính của TX Sông Cầu còn cao (126 trẻ trai/100 trẻ gái). Năm 2010, Đề án 52 đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tư vấn, chú trọng đến kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ y tế - KHHGĐ huyện thực hiện cung cấp dịch vụ, truyền thông tư vấn xuống cơ sở mỗi quý một lần, phối hợp với đội ngũ cán bộ các tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, bộ đội biên phòng, dân số, y tế thôn đã làm giảm nhanh tỉ lệ sinh con thứ ba.
Tuy nhiên, do đặc thù vùng biển nên công tác tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn. Chị Đặng Thị Dậy, cán bộ chuyên trách dân số phường Xuân Đài, cho biết: “Làm công tác truyền thông vận động DS-KHHGĐ ở vùng biển rất khó. Chúng tôi đi rất nhiều, nhưng các đối tượng ở vùng biển luôn có tư tưởng cần con trai để đi biển, nên gặp không ít trở ngại. Có lúc tôi phải nhờ em trai tuyên truyền, phát tờ rơi giúp”. Điều này cho thấy sự ưa chuộng con trai ở vùng biển vẫn còn là trở ngại lớn cho công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới. Đề án 52 đến với ngư dân vùng biển thông qua những mô hình truyền thông phong phú và đa dạng, phù hợp với đối tượng sống bằng nghề biển, giúp các cặp vợ chồng hiểu được việc sinh ít con là điều kiện tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên được cung cấp thông tin, được hướng dẫn các kỹ năng sống tốt.
Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết: “Để làm tốt nội dung trong Đề án 52, Trung tâm DS-KHHGĐ TX Sông Cầu đã liên tục tư vấn về bạo lực gia đình và mối liên hệ, ảnh hưởng của bạo lực gia đình đến CSSKSS; nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho nhóm đối tượng là vị thành niên, thanh niên, nhóm tuổi từ 15-49. Đồng thời, hình thành nhiều mô hình truyền thông nhóm, các CLB để góp phần bảo vệ thành quả đạt mức sinh thay thế trong những năm qua”.
THẠCH THẢO