Phú Yên có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung lớn như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), đầm Ô Loan (huyện Tuy An), hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa)...Đây là những vùng nuôi trồng thủy sản có tính chiến lược của tỉnh trong phát triển kinh tế vùng biển. Thế nhưng, thời gian gần đây tình trạng tôm, cá chết hàng loạt đã khiến người nuôi trắng tay.
Ông Trần Ngọc Phúc, ở xã Hòa Hiệp |
NUÔI TÔM, NGHỀ MAY RỦI
Tính đến thời điểm này, Phú Yên có gần 2.500ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm gần 1.900ha. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nước, môi trường sinh thái… tình trạng tôm, cá nhiễm bệnh, chết hàng loạt diễn ra thường xuyên, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Sau tình trạng cá mú, cua nuôi ở đầm Cù Mông (Sông Cầu) bị chết hồi tháng 5; cá, tôm chết trắng đầm Ô Loan (Tuy An) hồi tháng 6 và gần đây nhất là tôm nuôi vụ hai ở sông Bàn Thạch tiếp tục chết. Vùng nuôi này có diện tích hơn 1.000ha, bao gồm các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông (Đông Hòa), người dân thả nuôi phần lớn là tôm thẻ chân trắng. Nhưng đến nay (tính cả hai vụ nuôi) đã có gần 400ha tôm nuôi bị bệnh. Nhiều người phải bán đổ, bán tháo tôm với giá thấp, vớt vát phần nào vốn đầu tư. Ông Trần Ngọc Phúc ở xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), thả nuôi 25.000 con giống, rầu rĩ: “Vụ hai, tôi thả tôm trên diện tích 3.000m2, giống có thương hiệu đàng hoàng, đã qua 40 ngày tuổi nhưng không hiểu sao tôm chết hàng loạt, phải gọi thương lái bán gấp với giá 20.000 đồng/kg để gỡ gạc chút đỉnh. Vụ này lỗ nặng…”. Tương tự, hồ tôm của các ông Võ Văn Trưởng, Trần Đội, Trần Toàn… ở xã Hòa Hiệp Nam từ 5.000m2 đến 20.000m2, tôm cũng có triệu chứng như trên và bắt đầu có hiện tượng chết.
Nhiều hộ nuôi tôm có thâm niên ở Phú Yên cho biết, nếu tôm thẻ chân trắng đủ tuổi, đạt chất lượng, với giá bán hiện nay 54.000 đồng/kg 100 con thì bình quân 1.000m2 nuôi cho thu lãi từ 50 – 70 triệu đồng. Tuy có rất nhiều người đã nắm vững kỹ thuật, nhưng không sao tránh khỏi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Có khi hai hồ nuôi tôm nằm sát nhau, nhưng hồ này tôm phát triển tốt, hồ kia tôm lại trở chứng và chết hàng loạt mà không hiểu nguyên nhân. Vì vậy hầu hết những người nuôi tôm đều phải chấp nhận phương thức “được ăn cả, ngã về không”. Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Đông Hòa, vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch thường xảy ra dịch bệnh, nhiều diện tích tôm nuôi có sức đề kháng yếu nên khi gặp thời tiết thay đổi đột ngột, tôm bị sốc và đâm đầu vào bờ chết, nhất là sau cơn bão số 2 vừa rồi.
CẦN GIẢI PHÁP MANG TÍNH BỀN VỮNG
Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, từ đầu năm đến nay có 439,5ha tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị bệnh, trong đó mất trắng 372ha, tập trung tại huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường nuôi và chất lượng con giống không đảm bảo. Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu gửi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II để xét nghiệm, kết quả có mẫu dương tính với các bệnh đỏ thân, đốm trắng, phân trắng… Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh cấp thuốc sát trùng Clorin và phối hợp với địa phương hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp xử lý dập dịch. Đồng thời khuyến cáo người nuôi tôm tập trung chăm sóc diện tích còn lại, xử lý và cải tạo ao hồ theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.
Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, không ít hộ tự tìm nguồn giống tại nhiều địa phương, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Việc mua con giống trôi nổi trên thị trường chưa qua kiểm dịch làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Thế nhưng, hiện các ngành chức năng vẫn chưa có chế tài và xử lý kiên quyết. Ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Đông Hòa cho rằng, việc quản lý con giống thủy sản còn nhiều bất cập. Người nuôi không còn tin tưởng vào giấy kiểm dịch của các cơ quan chức năng nữa. Vì trong vụ một, ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, giống của những trại tôm có uy tín và được kiểm dịch có giá bán đắt hơn giống trôi nổi gấp 3 lần, nhưng tôm vẫn bị bệnh và chết, còn giống trôi nổi thì ít bị dịch bệnh và nuôi đạt hơn…
Mặt khác, hiện nay mật độ thả nuôi quá dày, diện tích nuôi trồng tập trung quá lớn, nhiều hồ nuôi tự xả thải nguồn nước bị ô nhiễm ra môi trường xung quanh, trong khi đó một số cửa biển, cửa sông bị bồi lấp nặng nề dẫn đến hạn chế trong việc trao đổi, lưu thông nguồn nước tự nhiên với ao hồ. Ngoài những nguyên nhân trên, yếu tố thời tiết bất thường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng nuôi tập trung. Những người nuôi tôm ở Phú Yên cho biết, khi tôm bị nhiễm bệnh thì không có cách nào cứu chữa, mà chỉ tận thu rồi sử dụng hóa chất khoanh vùng dập dịch. Đây cũng chính là những vấn đề bức thiết đặt ra cho các nhà quản lý trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
ANH NGỌC – PHƯƠNG