Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Nghề cá và Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng Phú Yên đang phối hợp triển khai dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên. Dự án nhằm nâng cao uy tín của các cơ sở sản xuất nước mắm, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khách mua nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu) - Ảnh: M.NGUYỆT
KHÓ CẠNH TRANH
Phú Yên có nguồn nguyên liệu cá cơm dồi dào, cùng với phương pháp chế biến truyền thống đã giúp người dân sản xuất ra loại nước mắm thơm, ngon đặc trưng. Ngoài các sản phẩm nước mắm có thương hiệu như Gành Đỏ, Long Thủy, Phú Yên còn có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm khác. Tuy nhiên, việc sản xuất kinh doanh nước mắm ở địa phương lâu nay còn mang tính tự phát, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát các loại sản phẩm nước mắm trước khi đưa ra thị trường. Mặt khác, nhiều cơ sở nước mắm không có điều kiện đăng ký phải “dựa lưng” thương hiệu khác để đưa sản phẩm ra thị trường, gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất nước mắm đã có thương hiệu. Ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Mỹ Quan
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NƯỚC MẮM
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên là phải sử dụng nguyên liệu cá cơm hoặc cá nục và một ít loại cá nổi khác đánh bắt tại vùng biển ngoài khơi Phú Yên, muối ướp cá sản xuất tại tỉnh. Sản phẩm được sản xuất trong hồ xi măng hoặc thùng gỗ hay chum (thạp) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ tiêu chất lượng theo TCVN 5107:2007 với màu nâu đâïm, vị mặn dịu, không có mùi lạ, hương thơm đặc trưng của nước mắm Phú Yên, độ đạm tổng số từ 15 gN/l trở lên, tùy theo loại nước mắm được phân loại theo đúng tiêu chuẩn.
Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên cho biết: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên là một ý tưởng mới. Nếu triển khai thành công, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn cho các nghề sản xuất nước mắm ở Phú Yên. Tuy nhiên, để triển khai tốt dự án này thì đòi hỏi phải tích cực triển khai công tác tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các hộ sản xuất, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên trở thành một thương hiệu mạnh, có giá trị kinh tế cao, tạo uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh”. Hiện đã có trên 30 cơ sở chế biến nước mắm trong tỉnh đăng ký được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên. Hội Nghề cá Phú Yên cũng đã bầu Ban kiểm soát lâm thời nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên, thiết kế nhãn hiệu (logo).
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một sản phẩm là một chuỗi công việc phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn nên cần được thực hiện một cách thận trọng với lộ trình cụ thể. Ông Bùi Thành ở thôn Phú Thọ 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) cho rằng: “Cần độc quyền trong việc mua muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) để bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu và chất lượng, hương vị đặc trưng cho sản phẩm nước mắm Phú Yên”.
Nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên là tài sản thuộc về cộng đồng của địa phương. Theo ông Đào Tứ Xuyên, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm phải chung sức xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên để giá trị tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao, tăng thu nhập cho người lao động.
MINH NGUYỆT