Thứ Tư, 27/11/2024 08:43 SA
Để nghề khai thác cá ngừ phát triển bền vững
Thứ Tư, 02/08/2006 07:12 SA

KHAI THÁC CHỦ YẾU BẰNG KINH NGHIỆM

 

060802-Ca-ngu.jpg

Cá ngừ đại dương về cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: D.T.X

Những năm gần đây, nghề khai thác xa bờ ở Phú Yên đã phát triển nhanh, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành điển hình trong cả nước. Tàu thuyền câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên hoạt động khá rộng ở vùng biển Đông của nước ta, tập trung khai thác vùng biển có vĩ độ từ 60 – 170 vĩ Bắc, từ 109030 đến 1150 kinh đông. Đầu vụ tàu khai thác ở vĩ độ cao, sau đó di chuyển về vĩ độ thấp. Để khai thác cá ngừ ở ngư trường xa, ngư dân đã đầu tư nhiều trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy thu câu (do ngư dân tự sáng tạo), máy định vị vệ tinh GPS, máy thông tin liên lạc tầm xa, tầm trung, đài radio… Kỹ thuật đánh bắt cá ngừ của ngư dân Phú Yên chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm được tích lũy qua thực tế, một phần học tập kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của các công ty đánh bắt cá ngừ tại TP Hồ Chí Minh và tàu đánh bắt tiên tiến của nước ngoài. Từ đó, bà con cải tiến kết cấu ngư cụ, quy trình kỹ thuật câu, cải tiến mồi câu, xác định vị trí đánh bắt và thời gian khai thác hợp lý… Trong tổ chức sản xuất trên biển, lực lượng tàu thuyền hoạt động ở vùng biển xa bờ đã có nhiều mô hình hợp tác làm ăn phù hợp như: hợp tác nhau theo nhiều tổ để thông tin về ngư trường, hợp tác trong việc đánh bắt và phân phối thu nhập, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn…

 

Nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua ngành thủy sản Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn về kỹ thuật xử lý và bảo quản cá ngừ cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị hiện đại như máy đả vảy, thiết bị lạnh, hầm hạ nhiệt đòi hỏi vốn lớn nên chưa thu hút ngư dân. Hiện nay, ngư dân Phú Yên bảo quản cá sau thu hoạch chủ yếu bằng nước đá được xay nhỏ tại cảng đưa vào hầm trữ đá dùng cho chuyến biển, nên chất lượng cá chưa cao, dẫn đến giá trị thương phẩm giảm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, khi tàu vào cập cảng, việc bốc dỡ cá hoàn toàn bằng thủ công, cá bị phơi nắng khi đưa từ tàu lên xưởng sơ chế và phải qua nhiều công đoạn mới tới được thị trường tiêu thụ, nên chất lượng giảm, kéo theo giá thành giảm. Tại các bến cá ở Phú Yên có 19 cơ sở và 2 doanh nghiệp thu mua cá với phương thức thu mua chủ yếu là mua xô nguyên con và đánh giá chất lượng bằng cảm quan, nên không khuyến khích ngư dân bảo quản nâng cao chất lượng cá.

 

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

 

Do phát triển nhanh, tự phát nên nghề khai thác cá ngừ bộc lộ nhiều vấn đề nổi cộm cần giải quyết, đó là thiếu thông tin về đối tượng và ngư trường khai thác, ngư cụ và phương pháp khai thác còn lạc hậu, thiếu trang thiết bị phục vụ khai thác, phương pháp tổ chức khai thác đơn lẻ, kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm còn yếu, mạng lưới thu mua, cơ sở chế biến sản phẩm còn chưa được tổ chức phù hợp, chưa có thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm cá ngừ Việt Nam chưa có chỗ đứng ổn định trên trường quốc tế... Riêng từ đầu năm 2006 đến nay, tình hình khai thác cá ngừ gặp nhiều khó khăn, do giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng, trong khi đó sản lượng cá đạt thấp (chỉ mới đánh bắt được 2.640 tấn), thị trường tiêu thụ bấp bênh với giá thấp…

 

Cá ngừ đại dương được Bộ Thủy sản chọn là đối tượng mục tiêu ưu tiên để phát triển nghề cá xa bờ. Do vậy, để phát huy những hiệu quả và tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho nghề này được phát triển theo hướng bền vững, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để tổ chức điều tra nguồn lợi hải sản vùng khơi, xác định mùa vụ, ngư trường, đối tượng, nghề nghiệp đánh bắt và khuyến cáo kích thước đối tượng khai thác cần được bảo vệ. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng thiết bị hiện đại phù hợp trên tàu cá như rađa để hỗ trợ kiểm soát vàn câu, thiết bị đo độ sâu đánh bắt cá, tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo quản sản phẩm đạt chất lượng cao. Trên cơ sở đó hướng dẫn cho ngư dân khai thác có hiệu quả. Ngành thủy sản tiếp tục vận động ngư dân bằng nhiều hình thức hợp tác đầu tư vốn và lao động đóng mới tàu có công suất lớn với thiết bị hiện đại đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi khai thác ở ngư trường xa, vận động ngư dân tự nguyện tham gia tổ, đội, đoàn để hỗ trợ nhau khai thác cá ngừ và xử lý sự cố khi gặp tai nạn trên biển. Đồng thời sắp xếp lại hệ thống thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương với lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp chế biến; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu xuất khẩu, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho phát triển nghề câu cá ngừ. Ngành thủy sản Phú Yên đề nghị Nhà nước cần sớm nghiên cứu quan hệ hợp tác đánh cá với các nước trong khu vực như Malaysia,Philippines, Inđonesia…, nhất là mở rộng ngư trường đánh bắt cá ngừ để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho ngư dân. Bộ Thủy sản cần triển khai làm điểm mô hình khép kín khai thác – bảo quản – tiêu thụ cá ngừ để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong ngư dân, sớm xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

               VÕ CHÂU

Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek