Chợ nông thổ sản tại khu vực đường Ngô Quyền, Lương Văn Chánh và Lê Lai (TP Tuy Hoà) hoạt động khá nhộn nhịp từ 23 giờ đến 7 giờ ngày hôm sau. Chợ này tan sớm vì không có địa điểm. Những người kinh doanh mặt hàng này đang cần có một địa điểm bán ổn định.
Do chưa có địa điểm cố định, hàng nông sản còn tồn phải bán lẻ ở những chỗ trống ở chợ TP Tuy Hoà - Ảnh: M.N
Theo những người buôn bán lâu năm, chợ này ban đầu nhóm họp ở góc đường Lương Văn Chánh. Lúc đó, chỉ có chừng 5 - 10 người thu mua các loại nông thổ sản từ các vùng lân cận TP Tuy Hoà đến bán và phân phối lại cho những người mua về bán lại. Nếu không hết hàng, những người bán buôn lại ngồi bán lẻ cho bằng hết. Thời gian sau, ngoài hàng trong tỉnh, hàng từ các tỉnh xa đổ về nhiều và người buôn đông dần lên. Đến nay, mỗi đêm có hơn 2.000 lượt người đến buôn bán tại đường Lương Văn Chánh, Ngô Quyền và Lê Lai. Trong đó có hơn 40 hộ bán thịt heo từ các miền quê đổ về. Các địa điểm trên trở nên quá tải và Ban quản lý chợ cấm các nơi này buôn bán sau 7 giờ sáng vì để đảm bảo công tác an toàn giao thông. Tình cảnh khó khăn cho những người bán buôn là khi trời về sáng mà hàng chưa hết thì phải bán đổ bán tháo với giá cực rẻ hoặc bán hàng chui nhủi một cách khổ cực.
Bà Nguyễn Thị Dáng ở phường 6, TP Tuy Hòa đã bán ở chợ nông thổ sản gần 30 năm, than thở: “Bao giờ chúng tôi cũng còn tồn hàng, những ngày nhiều người lấy trùng hàng thì chắc chắn lượng hàng tải đi sẽ rất chậm. Hàng tươi sống thì không thể để qua hôm sau được nên chúng tôi phải ở lại bán cho hết. Thế nhưng, ban quản lý chợ không cho bán sau 7 giờ khiến chúng tôi phải chạy đầu này, chạy đầu kia bán rất vất vả”.
Bà Đặng Thị Kim An ở phường 5, TP Tuy Hòa bán ở chợ nông thổ sản hơn 20 năm nay nói: “Chúng tôi cần có một khoảng đất để bán ổn định và đóng thuế như mọi người. Bởi vì, hàng hóa mua bán không ổn định về số lượng cũng như giá cả nên những lúc bán chưa hết hàng thì không biết phải bỏ đâu vì không có sạp. Hơn nữa, hàng tươi sống thì cần bán dứt điểm trong ngày. Ngoài việc bán sỉ, chúng tôi chịu khó bán lẻ để kiếm thêm chút ít thì lại không có địa điểm”.
Ông Võ Văn Ngọ, Trưởng ban quản lý chợ TP Tuy Hoà cho biết: “Lâu nay, Ban quản lý chợ có bố trí 300m2 để sau 7 giờ, những người bán không hết hàng sẽ vào đó bán nhưng thực tế không ai vào bán. Do đó, chúng tôi bố trí khoảng sân này cho ngành hàng nhôm nhựa. Chúng tôi cũng chẳng nghe ai có ý kiến về việc này và lâu nay chúng tôi cũng chỉ thu tiền góp chỗ chứ không hề thu bất kỳ một khoản phí nào… Để đảm bảo cho bà con có chỗ bán, Ban quản lý chợ đang dẹp vị trí bãi xe bảo vệ với diện tích hơn 100m2. Trong tháng 7 này, chúng tôi sẽ giải toả khu vực hàng cá (trên 200m2) và mặt bằng đường Lương Văn Chánh (gần 300m2) để giải quyết chỗ bán cho những mặt hàng như bông, chuối … Chúng tôi sẽ sắp xếp các vị trí kinh doanh để phục vụ tốt việc bán hàng trong dịp tết sắp đến”.
Ông Mai Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Phú Yên cho biết: “Chợ đầu mối nông thổ sản phải bán ban đêm vì để họ có thời gian mua hàng về các miền nông thôn bán lại. Nếu chợ này đặt tại thành phố thì sẽ không đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường. Về lâu dài, UBND tỉnh đã có quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông thổ sản tại phía tây tuyến tránh Quốc lộ I giao với Quốc lộ 25 do UBND huyện Phú Hoà làm chủ đầu tư. Chợ này hình thành sẽ giải quyết được những bức xúc hiện nay”.
MINH NGUYỆT