Thứ Ba, 01/10/2024 02:31 SA
Những bất cập trong phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam
Thứ Ba, 25/07/2006 07:32 SA

Sau 15 năm phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Việt Nam, có thể khái quát, chúng ta đã đạt được một số thành tựu căn bản cần phát huy. Đã xây dựng được một hệ thống gần 120 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và 450 cụm công nghiệp; hình thành cơ chế quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất khá đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, vấn đề phát triển các khu công nghiệp Việt Nam ở giai đoạn hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập.

 

VẪN CÒN NHIỀU TỒN TẠI

 

060725-dbsc.jpg

KCN Đông bắc Sông Cầu (Phú Yên) - Ảnh: D.T.XUÂN

Ở tầm vĩ mô, cho đến nay còn có một khoảng cách giữa vai trò và vị trí của khu công nghiệp, khu chế xuất với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

 

Tuy đạt được một số thành tựu nhưng sự thành công của mô hình hoạt động các khu công nghiệp không đồng đều. Các khu công nghiệp ở miền Bắc, miền Trung gặp không ít khó khăn, các khu công nghiệp ở vùng trọng điểm phía Nam nhìn chung phát triển tốt, nhưng vẫn đang bộc lộ nhiều vấn đề phải tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện. Ngay cả ở một khu công nghiệp, tính hợp tác liên kết giữa các tỉnh trong vùng nhằm phát triển các khu công nghiệp cũng còn rất yếu, nhiều tỉnh “xé rào” để xây dựng cơ chế ưu đãi riêng nhằm tạo ra các điều kiện cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh mình. Việc này thể hiện sự không nhất quán, thiếu ổn định của môi trường đầu tư chung.

 

Vấn đề quy hoạch các khu công nghiệp trên bình diện cả nước tại các vùng kinh tế ở các tỉnh chưa thật sự khoa học, còn thiếu tính thực tế và tính liên kết. Vấn đề quản lý và xử lý môi trường tại các khu công nghiệp còn là điểm yếu trong hoạt động tại các khu công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp chưa có, hoặc chưa có đầy đủ hệ thống xử lý môi trường nhưng đã đi vào vận hành, đã làm cho môi trường sống ở nhiều vùng bị ô nhiễm. Đời sống công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Các vấn đề xã hội của quá trình phát triển các khu công nghiệp chưa có biện pháp để giải quyết tốt như vấn đề đền bù giải toả đất đai, vấn đề tái định cư, ổn định cuộc sống của nhân dân vùng bị giải toả…

 

Hành lang pháp lý cho sự phát triển các khu chế xuất và khu công nghiệp còn nhiều bất cập, mâu thuẫn. Phân cấp tổ chức quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp giữa trung ương địa phương chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo. Cần thể chế hoá hơn nữa vấn đề thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” ở các khu công nghiệp.

 

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

 

Trước tiên, cần đổi mới bộ máy tổ chức quản lý các khu công nghiệp nhằm 2 mục tiêu: Hoàn thiện cơ chế “một cửa tại chỗ” ở cấp trung ương, tạo đầu mối giúp các ban quản lý các khu công nghiệp giải quyết nhanh chóng các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô; Quản lý mọi loại hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu kinh tế và cả các cụm công nghiệp (hiện nay do các địa phương quản lý). Để thực hiện các mục tiêu này cần sớm thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam ở cấp cơ quan ngang bộ, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

 

Hoàn thiện cơ chế quản lý “một cửa tại chỗ” tại ban quản lý các khu công nghiệp. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng tuỳ tiện trong thực thi cơ chế quản lý “một cửa tại chỗ” hiện nay ở các ban quản lý khu công nghiệp trong cả nước, góp phần tạo môi trường hành chính lành mạnh nhằm tăng tính hấp dẫn của các khu công nghiệp.

 

Bên cạnh đó rất cần xây dựng luật về khu công nghiệp, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của các chủ đầu tư trong và ngoài nước, của nhân dân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển của các khu công nghiệp.

 

Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phải có tầm chiến lược, trong đó coi trọng tính dự báo. Khắc phục và tránh tình trạng 2 khu công nghiệp nằm kề sát nhau, nhưng do nằm trong 2 vùng quy hoạch với cơ chế quản lý khác nhau, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Quy hoạch khu công nghiệp phải bao gồm: quy hoạch trong và ngoài khu công nghiệp. Sự gắn kết đô thị gắn với các khu công nghiệp phải thể hiện rõ tầm chiến lược, có đầy đủ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho việc xây dựng một đô thị sạch, văn minh, hiện đại và an ninh. Hoàn thiện hệ thống pháp lý để làm cơ sở xác lập công tác quản lý môi trường, xây dựng hệ thống quy định xử phạt gây ô nhiễm môi trường; quy định phí môi trường. Thẩm định kỹ nội dung môi trường trước khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp.

 

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp, cần xây dựng được môi trường pháp luật và hành chính tốt; kết cấu hạ tầng tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển ở trình độ cao; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi với chi phí thấp; có nguồn nhân lực đáp ứng tốt về số lượng và chất lượng. Đặc biệt về nguồn nhân lực, cần từng bước đáp ứng đầy đủ số lượng và chất lượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cả về trước mắt và lâu dài.

 

Thách thức lớn nhất chính là sự thiếu nhất quán trong nhận thức của các cấp quản lý về tầm quan trọng và vai trò của các khu công nghiệp trong công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự thay đổi quan niệm và nâng cao nhận thức về vai trò của khu công nghiệp là “chìa khoá” quan trọng để tổ chức giải quyết tốt các vấn đề tồn tại có liên quan đến khu công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã  hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

 

B.T.K (Theo Tạp chí Cộng sản)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek