Làng nghề chế biến nước mắm và cá cơm Hòa An (xã
Chế biến cá cơm ở TX Sông Cầu – Ảnh: D.T.X
Thôn Hòa An hiện có khoảng 450 hộ, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, trong đó nghề chế biến nước mắm và cá cơm khô có gần nửa số hộ tham gia. Với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương do bà con đánh bắt được nên nghề chế biến nước mắm và cá cơm khô phát triển khá mạnh. Làng nghề này đã giải quyết việc làm cho khá đông lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập ổn định. Bà Huỳnh Thị Tốt ở xã Xuân Hải, cho biết: “Từ nhà đến thôn Hòa An gần 10 cây số. Mỗi ngày tôi phải trả 20.000 đồng đi xe ôm vào đây để làm công việc trụng, phơi và phân loại cá tại các cơ sở chế biến. Lương được tính theo sản phẩm, ngày làm nhiều thì được khoảng 150.000 đồng, ít cũng được 120.000 đồng. Nhờ vậy mà mấy năm nay đời sống của gia đình tôi ổn định”. Còn bà Huỳnh Thị Liền, là người địa phương, ngoài công việc phụ giúp gia đình, hàng ngày cũng tranh thủ đến lò trụng cá cơm làm công để kiếm thêm thu nhập. Bà Liền thổ lộ: “Công việc phơi và phân loại cá chủ yếu do phụ nữ làm, những công việc nặng hơn như đốt lò, trụng cá, khiêng cá ra bãi phơi… do đàn ông đảm nhận. Mỗi công đoạn như vậy có cách tính tiền công khác nhau, nhưng chủ yếu tính theo khối lượng, việc nặng thì tiền nhiều, việc nhẹ thì ít hơn. Nhờ các lò trụng cá này mà nhiều năm nay bà con ở đây có công ăn việc làm thường xuyên”.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất của làng nghề còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình tự bỏ vốn và tổ chức sản xuất, sau đó tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc trụng cá còn thô sơ, chưa có thiết bị hiện đại nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu của thị trường “khó tính”. Ông Trương Quyết Hiển, một trong những chủ lò trụng cá ở thôn Hòa An, cho biết: “Lò trụng cá của gia đình tôi thu hút chừng 20 lao động. Công việc làm theo mùa vụ, những ngày cao điểm chế biến 3 đến 4 tấn cá, ngược lại có tháng không có việc để làm. Công việc trụng cá ở đây chủ yếu theo truyền thống, vả lại nếu có công nghệ cao, hiện đại thì chúng tôi cũng không đủ vốn để đầu tư. Chính vì vậy mà hiện nay sản phẩm của làng nghề làm ra có giá thấp hơn sản phẩm của một số địa phương khác”. Theo DNTN Trang Thủy (TP Tuy Hòa), hiện nay mỗi ngày doanh nghiệp mua từ 2 đến 3 tấn cá cơm khô, giá 65 triệu đồng/tấn. Nhưng để xuất khẩu được thì khi mua về phải phơi sấy và phân loại lại để xuất sang thị trường Mỹ, Trung Quốc,
Cá cơm sau khi hấp tại làng nghề Hòa An được phơi khô. Ảnh: N.CHUNG |
Ông Lý Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: “Việc tỉnh công nhận làng nghề là tạo điều kiện để phát triển theo hướng bền vững, đồng thời để người dân có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm hiện nay của làng nghề vẫn chưa được nâng lên, các hộ sản xuất chưa chịu liên kết với nhau mà sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa tạo ra thương hiệu chung cho cả làng nghề, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu vốn… Vì thế, để làng nghề phát triển, rất cần sự hỗ trợ về vốn, đào tạo lao động của Nhà nước, đồng thời giúp làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Sau khi làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm Hòa An được công nhận, tỉnh và thị xã đã đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, hiện đang xúc tiến đầu tư, quy hoạch khu vực làng nghề và kho chứa.
NGỌC CHUNG