Nghề đan thúng chai phục vụ ngư dân đi biển có từ lâu đời ở làng Long Hòa, xã An Định (huyện Tuy An). Từ chỗ, chỉ vài chục hộ làm nghề, đến nay làng Long Hòa nhà nào cũng học và làm nghề như một nguồn thu nhập chính trong gia đình.
Công đoạn nứt vành thúng chai ở làng Long Hòa, xã An Định - Ảnh: T.Q |
Vợ chồng bà Đỗ Thị Trang là một trong những hộ điển hình của làng nghề. Ông Đỗ Văn Minh (chồng bà) không chỉ đan đát giỏi mà còn là người đầu tiên tìm được đầu ra cho thúng chai tại các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung. Tùy kích thước lớn nhỏ mà giá thúng dao động 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/chiếc. Mỗi năm từ công việc đan thúng chai, gia đình bà Trang có thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, gia đình bà Trang con truyền nghề miễn phí cho các hộ xung quanh, cho thanh niên trong làng, sau đó nhận lại chính sản phẩm đó để cung cấp ra thị trường. Vợ chồng bà Trang là điển hình nông dân sản xuất giỏi được chọn báo cáo điển hình cấp tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt
Tuy nhiên, nghề đan thúng chai yêu cầu kỹ thuật và khá nặng nhọc. Những công đoạn như chặt tre, ra nan, lận thúng… phải là người có sức khỏe mới đảm đương nổi. Hơn nữa thị trường thúng chai không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, mùa biển động người làm thúng phải trữ hàng hoặc phải để nợ khi biển mất mùa. Vì vậy, đối với nhiều người dân ở làng nghề thúng chai Long Hòa, điều họ băn khoăn nhất là nguồn vốn. Ông Nguyễn Văn Chín, người có tuổi nghề nhất làng thúng chai Long Hòa, trăn trở: “Nghề đan thúng chai trước đây cũng đủ bữa, những năm gần đây có đỡ hơn khi chất lượng, thương hiệu được bà con miền biển tín nhiệm. Thế nhưng, cái khó hiện nay ở làng nghề là vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Ông Bùi Địch Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Định, cho biết: Cùng với làm ruộng, thu nhập từ đan thúng chai đang giúp bà con từng bước làm giàu, nuôi con ăn học. Hội Nông dân xã xem đây là điển hình trong phát triển kinh tế nông thôn, sẵn sàng đứng ra làm các thủ tục tín chấp để các hộ có nhu cầu vốn có thể mở rộng sản xuất.
THẾ NHƠN