Chủ Nhật, 06/10/2024 15:27 CH
Sản xuất lúa vụ hè thu 2010:
Dự báo các loại sâu bệnh gây hại
Thứ Hai, 31/05/2010 13:00 CH

Hiện nay nông dân Phú Yên đang bước vào sản xuất vụ lúa hè thu năm 2010 với nhiều thuận lợi sau thắng lợi của vụ đông xuân, song cũng gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với dịch bệnh. Để chủ động đối phó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo đối tượng sâu bệnh hại lúa quan trọng trong vụ hè thu.

 

Chuột: Là đối tượng khó phòng trừ, việc tổ chức ra quân diệt chuột nên bắt đầu ngay sau khi kết thúc thu hoạch lúa đông xuân. Một số địa phương do địa hình phức tạp, chuột lẩn trốn trong vườn cây, bờ bụi, nếu không phòng trừ tích cực thì chuột sẽ chuyển sang gây hại lúa hè thu. Dự báo vụ sản xuất hè thu năm 2010, chuột sẽ tiếp tục gây hại mạnh. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương cần tăng cường công tác diệt chuột ngay từ đầu vụ và bằng nhiều biện pháp:

 

Ra quân đào bắt và đồng loạt bẫy, bả sau khi làm đất lần cuối. Dùng đèn soi bắt chuột bằng nơm, vợt vào lúc lúa còn nhỏ đến khi lúa đẻ nhánh rộ.

 

Những nơi chuột hại nặng thời kỳ lúa đẻ nhánh, ngoài các biện pháp trên có thể dùng bẫy hoặc bả bằng thuốc chuột: Zinphos 20%, Fokeba 20%; Rat K, Klerat, Racumin, Yasodion; các chế phẩm vi khuẩn như Biorat, Miroca, Prodent; các thuốc xông hơi như: Woolf cygar 33 %, Xì gà –SG 63 q …

 

Bẫy mặt trăng được nông dân nhiều nơi áp dụng cho hiệu quả cao. 

 

Rầy nâu: Liên tiếp các vụ sản xuất gần đây, rầy nâu đã phát sinh gây hại trên ruộng lúa Phú Yên ở các mức độ khác nhau. Theo cảnh báo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) thì rầy nâu đang có xu hướng phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Rầy nâu gây hại trực tiếp và gián tiếp gây nên bệnh virus vàng lun, lùn xoắn lá, làm thiệt hại nặng đến năng suất lúa. Để ngăn chặn sự phát sinh gây hại của rầy nâu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương hạn chế đến mức thấp nhất sản xuất các giống nhiễm rầy như: TBR 1, ĐV 108, OM2695-2, HĐB6, D98-17, OM 1490, ML48, BĐ 258,…Cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

      

Quản lý dịch hại theo IPM, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết vì dễ gây hiện tượng bộc phát rầy nâu không kiểm soát được. Không phun thuốc trừ sâu sớm, chỉ phun khi thật cần thiết, lúc rầy có xu thế phát triển mạnh. Áp dụng IPM, bảo vệ thiên địch để hạn chế phun thuốc trừ sâu. Sử dụng bẫy đèn để theo dõi số lượng rầy nâu vào đèn, xác định thời điểm rầy nâu ra rộ và hướng di chuyển của rầy để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hợp lý.

 

Rầy lưng trắng: Trạm Bảo vệ thực vật và các địa phương cần phân biệt rõ rầy lưng trắng với rầy nâu. Theo quy luật, rầy lưng trắng sẽ phát sinh gây hại trên ruộng lúa khoảng 30 ngày sau sạ, sau đó mật độ của chúng giảm dần và nhường chỗ cho rầy nâu. Do chúng có điều kiện phát sinh phát triển giống nhau nên trong quần thể rầy nhiều lúc phát hiện cả hai loài cùng tồn tại. Tại Phú Yên, chưa có tài liệu ghi nhận rầy lưng trắng gây hại đến năng suất lúa. Riêng các tỉnh phía Bắc, đã có ghi nhận lúa bị cháy do rầy lưng trắng, song nguy hiểm nhất là chúng truyền bệnh virus lùn sọc đen gây mất mùa cho các tỉnh phía Bắc trong năm 2009. Về biện pháp quản lý rầy lưng trắng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương áp dụng như các biện pháp quản lý rầy nâu. Cần tách riêng hai đối tượng rầy trong số liệu điều tra để làm cơ sở cho việc dự báo và quản lý chúng…

 

NGUYỄN HỮU DOÃN

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek