Thông tin trên được Phó Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên Lê Thị Hằng Nga cho biết tại cuộc trao đổi với Báo Phú Yên cuối tuần qua.
Người nuôi tôm ở khu vực đầm Ô Loan vớt rong, tảo trong đìa nuôi - Ảnh: N.CHUNG |
Báo Phú Yên số 1059, ra ngày 28/5 đăng bài “Cá chết trắng đầm Ô Loan”. Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (TTG-KTTS) Phú Yên Lê Thị Hằng Nga cho biết:
Từ ngày 19-27/5, nước đầm Ô Loan có hiện tượng tảo phát triển dày đặc, chuyển nhiều màu trong ngày, lúc thì xanh lá chuối, lúc thì đỏ, lại có lúc màu lam, kèm theo đó là hiện tượng tôm, cá tự nhiên chết nhiều vào buổi sáng sớm. Hiện tượng này có ở An Ninh Đông, An Cư, sau đó lan nhanh đến các xã ven đầm còn lại.
Ngày 21/5 và 23/5, TTG-KTTS Phú Yên tiến hành kiểm tra và thu mẫu nước đầm Ô Loan để đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy: Phát hiện ô nhiễm vi sinh tại hai điểm khảo sát là An Ninh Đông và An Cư, trong đó mẫu nước tại An Ninh Đông có mật độ vibrio tổng số lên đến 134,4x102CFU/ml, tại An Cư là 16,4x102CFU/ml (ngưỡng cho phép theo TCVN 5943-1995 là <10x102CFU/ml). Phát hiện ô nhiễm dinh dưỡng tại khu vực An Ninh Đông, hàm lượng Phosphat đo được là 0,2mg/l, vượt cao hơn ngưỡng cho phép. Hàm lượng ôxy hòa tan tại vùng An Hải, An Hiệp, An Cư thấp dưới ngưỡng cho phép (từ 4,4-4,6mgO2/l) mặc dù thời điểm thu mẫu là buổi sáng, có nắng nóng, chứng tỏ ôxy hòa tan tại các điểm trên là rất thấp khoảng thời gian từ giữa đêm đến sáng…
Như vậy, có thể kết luận nguyên nhân gây hiện tượng tôm cá trong đầm chết nhiều trong khoảng thời gian từ 19-26/5 là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nước đầm bị ô nhiễm dinh dưỡng cục bộ, tảo phát triển mạnh (tảo nở hoa) gây sự biến động hàm lượng ôxy ngày đêm lớn, ban ngày ôxy rất cao nhưng ban đêm thì lại giảm rất thấp, đặc biệt là khoảng thời gian gần sáng ôxy hòa tan bị thiếu trầm trọng, gặp lúc trời không có gió, nước tầng đáy nóng, tôm cá bị ngộp và nổi đầu chết. Hiện tượng này các năm trước đây cũng đã xảy ra nhiều lần ở đầm Ô Loan.
Bà Lê Thị Hằng Nga khuyến cáo người nuôi thủy sản ven đầm khi gặp các hiện tượng trên (tảo phát triển dày đặc, thời tiết nắng nóng kéo dài, thỉnh thoảng có mưa rào...) cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng bệnh tích cực cho tôm cá: thay nước nếu có thể, kiểm soát thức ăn, tăng cường quạt nước hoặc sử dụng các hóa chất tạo ôxy để cấp cứu trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, người dân ven đầm cần quản lý tốt lượng rác thải sinh hoạt, không xả thải trực tiếp xuống đầm làm ô nhiễm môi trường sinh thái đầm.
NGỌC CHUNG