Dự án thủy điện Sông Hinh là công trình đa mục tiêu, bên cạnh chức năng chính cung cấp điện lưới quốc gia còn có nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là giải quyết nước tưới cho vùng hạ du. Nhà máy đã đưa vào khai thác hơn 10 năm, thế nhưng công trình sử dụng nước sau nhà máy thì vẫn chưa thể hoàn thành.
Kênh chính đông đang thi công cầm chừng chờ giải phóng mặt bằng. - Ảnh: N.TRƯỜNG
GIAN
Theo quyết định phê duyệt của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN – PTNT), dự án sử dụng nước sau Nhà máy thủy điện Sông Hinh cung cấp nước tưới cho 1.472 ha vùng Sơn Giang (Sông Hinh), Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông (Tây Hòa); bổ sung nước cho đập Đồng Cam đủ năng lực tưới cho 19.800 ha lúa. Bên cạnh đó, dự án còn kết hợp tiếp nước cho sông Bàn Thạch, sông Bến Lái để góp phần chống nhiễm mặn, cải tạo cửa Đà Nông; đảm bảo nước cho trạm bơm điện Nam Bình hoạt động đạt công suất thiết kế. Năm 1999, dự án bắt đầu triển khai xây dựng công trình đầu mối, đến cuối năm 2000 thì hoàn thành các hạng mục đập tràn dài 364m, đập dâng với chiều rộng tràn xả lũ 56 m, hai cống lấy nước và cống xả với tổng giá trị xây lắp hơn 13,8 tỉ đồng. Đầu năm 2002, BQL Thủy lợi 414 bắt đầu triển khai thi công kênh chính tây, nhưng ngay sau đó phải dừng lại vì Nhà nước không bố trí được vốn.
Qua nhiều lần trì hoãn, đầu năm 2007, dự án khởi động trở lại bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng dự toán được duyệt 246,4 tỉ đồng. Tháng 9/2009, dự án được điều chỉnh, bổ sung tăng lên 274,7 tỉ đồng. Theo đó, BQL Thủy lợi 414 (nay là BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư xây dựng hai tuyến kênh chính, gồm kênh chính tây dài 12.380m, lưu lượng nước 2m3/giây; kênh chính đông dài 7.450m, lưu lượng nước 12,3m3/giây có vốn đầu tư gần 229,2 tỉ đồng. Phía UBND tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư xây dựng 68 tuyến kênh tưới dưới 150 ha với tổng chiều dài hơn 39,5 km, kinh phí hơn 23,5 tỉ đồng, đồng thời thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng với kinh phí 22 tỉ đồng bằng nguồn vốn địa phương.
Tháng 12/2007, việc thi công các tuyến kênh chính được triển khai. Đến thời điểm này, tuyến kênh chính tây thuộc địa phận xã Sơn Giang (Sông Hinh) đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, kênh chính đông thuộc địa phận xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) mới đạt khoảng 40% giá trị khối lượng. Hiện tại, nơi tuyến kênh chính đông đi qua thuộc thôn Lạc Đạo và Đá Mài xã Sơn Thành Tây, các nhà thầu đang thi công chấp vá từng đoạn ngắn ở những khu vực được giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 cho biết: “Đơn vị đã thống nhất với UBND tỉnh Phú Yên đến tháng 4/2008 hoàn tất việc bàn giao mặt bằng, thế nhưng đến tháng 9/2009 địa phương bàn giao lần đầu được 1.175m, và đến nay sau bốn lần bàn giao chỉ có 5.035m, bằng 67% chiều dài kênh. Nếu địa phương tiếp tục chậm bàn giao mặt bằng thì mục tiêu hoàn thành kênh chính đông trong năm 2010 khó có thể thực hiện được”.
BẤT CẬP TRONG ĐỀN BÙ
Để giải phóng mặt bằng thi công kênh chính đông, từ tháng 1/2008, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định 911 thu hồi 425.351m2 đất và giao cho UBND huyện Tây Hòa lập phương án bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Qua hai lần phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ có 64 trường họp bị ảnh hưởng với số tiền được bồi thường, hỗ trợ 1,832 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi huyện Tây Hòa tiến hành chi trả tiền đền bù thì người dân không đồng tình, hầu hết các hộ có nhà ở phải di dời đều không chịu nhận tiền. Ông Hoàng Ngọc Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây cho biết: Chủ trương của huyện chỉ đền bù hoa màu và hỗ trợ 60% về đất và nhà ở vì cho rằng người dân lấn chiếm đất, chưa được cấp “sổ đỏ” và cất nhà trái phép. Trong số 64 trường hợp được bồi thường, hỗ trợ, có 25 trường hợp phải di dời nhà cửa nhưng địa phương cũng chưa có khu tái định cư.
Qua tìm hiểu, được biết trước khi xã Sơn Thành Tây được thành lập vào năm 2005, hai thôn Lạc Đạo và Đá Mài đã thành lập trước đó nhiều năm trên cơ sở dân cư hiện có và hầu hết là di dân tự do từ các nơi khác đến, trong đó có nhiều hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Phúc quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào lập nghiệp từ năm 1992 theo dạng di cư tự do, cho biết: Vừa qua bà con mới đồng ý nhận tiền đền bù về hoa màu trên đất sản xuất để tạo điều kiện cho việc thi công, chứ chưa chịu nhận tiền đền bù về đất, nhà ở vì Nhà nước đưa ra giá quá thấp, chỉ 2.000 đồng/m2, gọi là hỗ trợ công khai hoang, trong lúc giá chuyển nhượng tự do khoảng 150 triệu đồng/ha (tức 15.000 đồng/m2). Mặc dù, người dân đã khai hoang sản xuất từ những năm 1989 - 1993 nhưng đến nay chưa ai có “sổ đỏ”, song hằng năm vẫn nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ. Ông Ngoãn cũng thừa nhận, việc người dân sử dụng đất đã nhiều năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần lỗi của chính quyền địa phương, vì khi thành lập xã, UBND xã đã có tờ trình xin kinh phí để đo đạt, lập bản đồ địa chính, thủ tục để cấp giấy chứng nhận nhằm hợp thức hóa việc sử dụng đất của người dân, nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa giải quyết. Chúng tôi đang đề nghị UBND huyện xem xét lại vấn đề này và có phương án đền bù thỏa đáng, nhất là trường hợp đã có hộ khẩu thường trú và đủ điều kiện nhập khẩu.
Cũng thuộc dự án này, việc đền bù, giải phóng mặt bằng của kênh chính tây diễn ra thuận lợi, được sự đồng thuận của người dân vì chính quyền huyện Sông Hinh vận dụng Điều 8 Nghị định 197/2004 của Chính phủ về điều kiện để được bồi thường đất. Tại Khoản 5, Điều 8 của nghị định ghi rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp”. Sơn Thành Tây là xã miền núi và các thôn Đá Mài, Lạc Đạo thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đang thụ hưởng Chương trình 135 nên có thể vận dụng điều khoản này cùng với Quyết định 471/2010 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 16/3/2010 để giải quyết những vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ cho dân bị thu hồi đất.
CHỜ THI CÔNG KÊNH NHÁNH
Hệ thống kênh chính đang thi công, trong đó kênh chính tây đã cơ bản hoàn thành, thế nhưng hệ thống kênh nhánh (kênh tưới dưới 150 ha) thuộc trách nhiệm của địa phương vẫn chưa được triển khai thi công. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh có quyết định giao BQL Thủy lợi tỉnh (Sở NN-PTNT Phú Yên) làm chủ đầu tư phần kênh nhánh. Theo đó, BQL Thủy lợi tỉnh tiếp nhận hồ sơ thiết kế hệ thống kênh nhánh từ BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 để tổ chức thi công. Tuy nhiên, qua xem xét thì thiết kế hệ thống kênh nhánh này chưa được thẩm định. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ hệ thống kênh cũng chưa được đặt ra. Ông Lê Văn Hương, Giám đốc BQL Thủy lợi tỉnh cho biết: Để giải quyết những tồn tại này, chúng tôi đang xin chủ trương UBND tỉnh thuê tư vấn thẩm định lại thiết kế hệ thống kênh, đồng thời tiến hành đo đạc quy chủ diện tích phải giải phóng mặt bằng để thi công, sau đó giao lại cho địa phương lập phương án bồi thường, thu hồi đất. Khi đó mới tổ chức đấu thầu, thi công. Tóm lại, mọi thủ tục đầu tư đều phải làm lại từ đầu nên mất nhiều thời gian, có thể đến cuối năm nay mới thi công được. Được biết, Chính phủ đã phân bổ 15 tỉ đồng để Phú Yên thực hiện đầu tư hệ thống kênh tưới dưới 150 ha của dự án sử dụng nước sau thủy điện Sông Hinh, song với tiến độ như hiện nay thì khả năng giải ngân hết số vốn này trong năm nay khó có thể thực hiện được. Còn người dân trong vùng dự án đã hơn 10 năm mong đợi công trình sớm đưa vào sử dụng, giúp họ có cơ hội phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, nay lại tiếp tục chờ…
NGUYÊN TRƯỜNG