Dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) được triển khai từ năm 2005, tại 31 xã thuộc bốn huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và Tuy An. Theo kế hoạch đến hết quý II/2010 dự án đưa vào sử dụng, tuy nhiên đến nay vẫn còn 10 xã chưa hoàn thành, do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dây điện tuyến xã Hòa An đã lắp xong hơn hai tháng nhưng đành “cột vào trụ” không thể đấu nối vì chờ xếp lịch cắt điện - Ảnh: T.QUỚI |
THIẾU SỰ HỢP TÁC GIỮA CÁC BÊN
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án RE II, đến nay đã có 21 xã hoàn thành việc triển khai lưới điện thuộc dự án RE II, nhưng thực chất chỉ có 10 xã là hoàn tất các gói thầu, quyết toán và bàn giao cho địa phương, đơn vị quản lý, 10 xã còn đang tiếp tục triển khai. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ là sự thiếu hợp tác giữa các bên liên quan, trong đó có các hợp tác xã kinh doanh điện và chính quyền địa phương. Hiện tại, ở một số địa phương, việc kinh doanh điện của hợp tác xã được giao cho Điện lực Phú Yên quản lý nên không còn trách nhiệm trong việc vận động người dân chủ động giải phóng mặt bằng để trả lại tuyến cho dự án. Đối với những hợp tác xã chưa bàn giao thì cũng không còn mặn mà hợp tác khi biết trước sau gì cũng bàn giao lưới điện. Vì thế, đơn vị thi công đành phải dừng thi công để báo cáo chủ đầu tư vì người dân ngăn cản.
Tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) quy mô dự án xây lắp mới toàn tuyến 18.280 m, cải tạo 7.081 m nhưng đến nay chưa thể triển khai vì chưa hoàn tất phần giải phóng mặt bằng. Ông Dương Phú Sơn, chuyên viên dự án RE II cho biết: Công trình được triển khai tại xã Hòa Thắng từ đầu năm 2009. Đến tháng 7/2009, Ban quản lý dự án RE II giao Ban Bồi thường, Hỗ trợ - Tái định cư huyện Phú Hòa thực hiện việc kiểm đếm số lượng, cây, đất phải bồi thường trên tuyến đi qua và lập phương án đền bù cho dân. Thế nhưng, từ đó đến nay phương án đền bù vẫn chưa được trình UBND huyện Phú Hòa phê duyệt. Trong khi tiền đền bù của dự án đang chờ để chi trả cho người dân, còn công trình thì “đứng bánh”. Ông Lê Quốc Tuấn, Trưởng Ban Bồi thường, Hỗ trợ - Tái định cư huyện Phú Hòa cho rằng: Phần việc của ban đã cơ bản hoàn tất khâu thống kê, kiểm đếm, nhưng không thể lập phương án đền bù vì phía chủ đầu tư chưa thu hồi đất!
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, UBND tỉnh đã có thông báo thu hồi đất tổng thể trên địa bàn để phục vụ dự án. Vì thế Ban quản lý dự án RE II muốn địa phương lập phương án đền bù để giải phóng mặt bằng kịp tiến độ, còn việc thu hồi đất ở từng địa chỉ sẽ tiến hành song hành khi thi công. Một thực tế khác, tại một tuyến của xã Hòa An (huyện Phú Hòa) công việc xây lắp đã hoàn tất cách đây hơn hai tháng, có thể đấu nối để đưa vào sử dụng. Thế nhưng, vấn đề tưởng dễ này lại vướng ở khâu xin lịch cắt điện từ Chi nhánh Điện Phú Hòa!
KHÔNG THỂ KÉO ĐƯỜNG DÂY
Đối tượng hưởng lợi chính qua dự án RE II chính là người dân, thế nhưng khi triển khai thi công lại bị vướng bởi chính người dân. Họ không cho kéo đường dây đi qua hoặc không chủ động giải phóng mặt bằng hành lang tuyến, mặc dù đã nhận tiền đền bù.
Trên tuyến từ trạm biến áp Trường tiểu học xã Hòa An đi xã Hòa Thắng, đoạn qua thôn Phú Ân dài khoảng 1.000 m đã hơn 3 tháng nay phải dừng thi công chỉ vì một hộ dân đòi tiền đền bù vô lý. Vợ ông Phan Văn Huấn là Lê Thị Tuyết cho biết: “Dự án cần thỏa thuận mức đền bù với gia đình vì đường dây đi ngang qua đất nhà tôi”. Tuy nhiên, đòi hỏi này là vô lý, vì theo quy định của dự án chỉ đền bù đối với các hạng mục là cây dưới hành lang tuyến và đất thu hồi để trồng trụ chứ không đền bù đất dưới hành lang tuyến mà đường dây đi qua. Bà Tuyết viện lý do khi kéo dây ngang qua nhà, mai mốt nhà xây lên cao sẽ bị đụng không biết kêu ai di dời! Để giải quyết vấn đề này, Ban quản lý dự án RE II cam kết sẽ di dời trong trường hợp đường dây chạm mái nhà bà Tuyết khi xây dựng lên cao, nhưng gia đình vẫn khăng khăng không cho kéo dây. Không lẽ chính quyền địa phương và ban quản lý “bó tay” trước đòi hỏi vô lý này?
Xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), toàn bộ hệ thống trụ, xà đã được thi công, lặp đặt xong từ lâu, nhưng dây thì không thể kéo bởi vướng cây cối dưới hành lang tuyến. Những hộ dân có tuyến điện đi qua đã nhận đủ tiền đền bù (trong đó có cả phần tự chặt cây, tận thu sản phẩm) nhưng không chịu chặt cây vì suy nghĩ: Cứ bỏ dãi, giao cho dự án muốn làm gì làm vì mình đã nhận đủ tiền đền bù rồi! Một số hộ khác thì không thể chặt vì gia đình neo đơn, hoặc cây vướng đường dây điện nên ngại chặt.
Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, Trưởng Ban quản lý dự án RE II cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, đồng thời tuyên truyền, giải thích để người dân tự giác giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp không thể vận động, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ của dự án.
TRẦN QUỚI