Phú Yên hiện có khoảng 100.000 người lao động nông thôn đang thiếu việc làm, hoặc đang có việc làm thu nhập thấp cần việc làm mới để cải thiện đời sống. Thế nhưng, qua 3 phiên giao dịch việc làm trong đợt I năm 2010 (từ ngày 20-22/5) tại các huyện Đồng Xuân, Đông Hòa, Tây Hòa thì chỉ có 397 người đăng ký học nghề, làm việc tại các doanh nghiệp trong nước hoặc lao động nước ngoài. Vì sao?
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: L.PHONG |
Ngày 22/5, tại phiên giao dịch việc làm (GDVL) ở huyện Tây Hòa, có đến 42 công ty, doanh nghiệp (DN), trung tâm tuyển dụng - đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh cần tuyển 12.000-13.000 lao động. Trong đó có 10 DN trực tiếp tham gia tư vấn việc làm và đào tạo ngành nghề cho người lao động. Nét mới của phiên GDVL lần này là một số đơn vị tư vấn trực tiếp bằng trực quan gồm các thiết bị máy móc, mô hình học tập, làm việc hiện đại...
“CHỢ” BÀY NHIỀU VIỆC NHƯNG THIẾU “NGƯỜI MUA”
Sở LĐTBXH Phú Yên cho biết, năm 2010, Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐTBXH) sẽ tổ chức 3 đợt với 12 phiên giao dịch việc làm, trong đó 9 phiên tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 3 phiên giao dịch việc làm theo cụm. Từ ngày 25-28/5, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên GDVL tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa.
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Phú Yên đã tốn nhiều công sức để tổ chức phiên GDVL với quy mô lớn như vậy. Thế nhưng, số người có nhu cầu tìm việc và DN tuyển dụng thực sự không nhiều, chỉ có khoảng hơn 500 người lao động đến đây tìm hiểu việc làm và cũng chỉ có 69 người đăng ký học nghề, làm việc tại các công ty, DN trong và ngoài tỉnh, không có người nào đăng ký xuất khẩu lao động. Bà Trần Nguyễn Bích Hằng, cán bộ tuyển dụng lao động Công ty Nidec Sankyo TP Hồ Chí Minh, cho hay, số lượng lao động cần tuyển của công ty lên đến 500 người, nhưng qua 3 phiên GDVL tại Phú Yên mới có 21 người đăng ký việc làm. Trong khi, theo Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Hòa, toàn huyện có hơn 3.500 lao động cần việc làm mới. Số người lao động quan tâm đến phiên GDVL ít ỏi nên “chợ” dù được chuẩn bị, tổ chức công phu chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ!
Trước đó, trong 2 ngày 20-21/5, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên thực hiện 2 phiên GDVL tại huyện Đông Hòa và huyện miền núi Đồng Xuân cũng chỉ thu hút được 271 người đăng ký việc làm, 57 người đăng ký học nghề. Qua các sàn GDVL cho thấy, mặc dù nhu cầu về tuyển chọn lao động phổ thông rất lớn, lao động nông thôn chưa có việc làm còn nhiều, nhưng số người đi tìm việc vẫn không lớn, nên không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN.
Trong khi đó, ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết, thị trường lao động nước ngoài như các nước Trung Đông, nước Úc, Nhật, Hàn Quốc, Liên Bang Nga, Phần Lan... với thu nhập cao và có nhu cầu tuyển dụng lao động tại Phú Yên từ 500-1.000 người. Song tại các phiên GDVL đợt I/2010 chỉ có 58 người đăng ký xuất khẩu lao động.
VÌ SAO?
Theo ông Trần Minh Giáp, Phó trưởng Phòng Việc làm Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, với tình hình thực tế về mất việc, thiếu việc làm hiện nay trong toàn tỉnh hơn 100.000 người, các phiên GDVL chính là cầu nối chặt chẽ giữa người lao động với các DN, hỗ trợ tích cực người lao động tìm việc làm mới. Thế nhưng, thực tế người lao động ở các địa phương xem ra còn rất thờ ơ đối với các phiên GDVL. Nguyên nhân, giữa DN và người lao động chưa có tiếng nói chung trong việc tư vấn, tiếp cận, chia sẻ thông tin việc làm; người lao động do còn ràng buộc gia đình hoặc thiếu khả năng, thiếu năng lực hoặc thiếu chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động nên “ngại” đăng ký việc làm...
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động còn hạn chế. Nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động, nhưng lại thiếu năng lực tài chính, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ tay nghề, ngoại ngữ... Nguyễn Văn Hùng, một lao động ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), nói: “Việc làm ở nước ngoài khá hấp dẫn, lương cao, nhưng gia đình tôi nghèo, không đủ tiền chi phí ban đầu. Còn việc làm trong tỉnh thì lương quá thấp, không thích hợp với sở thích của tôi”.
Có thể nói, đa số người lao động ở nông thôn không đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn, để được xuất khẩu lao động. Năm 2009, có vài trăm người ở khu vực nông thôn Phú Yên đăng ký xuất khẩu lao động qua giới thiệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, nhưng chỉ có 29 người đủ tiêu chuẩn đi xuất khẩu lao động. Những người này đều được đào tạo qua các lớp nghề như điện, cơ khí, sửa chữa ô tô... tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên. Thực tế này đòi hỏi ngành LĐ-TB-XH Phú Yên cần nắm bắt được nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng lao động trong mỗi ngành nghề tại địa phương, từ đó có chính sách hỗ trợ, đề ra những định hướng và giải pháp về đào tạo nghề gắn với cung ứng lao động trong nước và nước ngoài.
LƯU PHONG