Thứ Hai, 13/01/2025 12:53 CH
Trợ sức cho doanh nghiệp vượt khó
Thứ Bảy, 22/05/2010 13:30 CH

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi nguồn lực tài chính, nhân sự và khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp. Trước thách thức này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 22/2010 về việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được xem là chiếc “phao” để doanh nghiệp vừa và nhỏ “bơi” ra biển lớn.

 

hat-dieu100522.jpg

Chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp Phú Yên - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC 

 

Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, giải quyết lượng lớn lao động, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp địa phương. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn mang tính đặc trưng, như quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị yếu, tiếp cận nguồn tín dụng khó, thiếu mặt bằng sản xuất… Những hạn chế trên khiến không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ phải giải thể. Tại Phú Yên, có hơn 1.700 doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký kinh doanh, nhưng hiện tại chỉ có 1.000 doanh nghiệp còn hoạt động, đã minh chứng điều đó.

 

Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2001, sau đó là Nghị định 56/2009 về việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, song vẫn chưa giải quyết đồng bộ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Ông Nguyễn Xuân Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho rằng, khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đang thiếu vốn lưu động. Đơn cử như Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa hoạt động trên địa bàn nông thôn, miền núi, mỗi vụ sản xuất cần 30 tỉ đến 40 tỉ đồng để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhưng không được vay vốn ưu đãi, công ty phải chấp nhận vay vốn các ngân hàng thương mại, chịu lãi suất cao. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh với đường ngoại nhập. Còn ông Đặng Văn Trung, Giám đốc Công ty Cà phê Ea Bá thì cho biết, vào vụ thu hoạch cà phê, công ty cần hàng chục tỉ đồng để mua cà phê của bà con trên địa bàn huyện Sông Hinh. Nhưng vay vốn ngân hàng thương mại, trả lãi suất cao trong thời gian dự trữ khoảng 5 năm thì công ty không thể tranh mua được với tư thương vì họ kinh doanh theo kiểu “mua đi, bán lại” lấy lãi tức thì. Đồng tình quan điểm với ông Trung, bà Huỳnh Thị Khiết, Giám đốc Công ty cổ phần An Hưng cũng bức xúc, doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, giải quyết hàng ngàn lao động, nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ, nhưng thực tế rất khó khăn khi tiếp cận những chính sách trợ giúp của Chính phủ. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, doanh nghiệp phải tự “xoay xở” để tồn tại.

 

TÍN HIỆU VUI

 

6 biện pháp lớn trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp. Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi. Xây dựng và củng cố hệ thống trợ giúp phát triển doanh nghiệp.

Với Nghị quyết 22/2010, một lần nữa Chính phủ đề cao vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ và khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong số các giải pháp lớn được Chính phủ đưa ra, đáng chú ý là việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng và huy động các nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đồng thời giải quyết những khó khăn, tồn tại lâu nay gặp phải. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, phát triển tài sản trí tuệ; phát triển nguồn nhân lực thông qua việc trợ giúp đào tạo quản trị doanh nghiệp, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động; xúc tiến mở rộng thị trường, khuyến khích tham gia cung ứng dịch vụ công…

 

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IDP tỏ ra lạc quan trước chủ trương lớn của Chính phủ và cho rằng, những giải pháp này nếu triển khai đồng bộ sẽ là “bà đỡ” để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ông Thọ cũng tỏ ra băn khoăn, đó là việc tiêu thụ sản phẩm là vấn đề “nóng” của không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay trước tình hình hàng hóa ngoại nhập tràn lan. Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng nhằm mục đích đó. Chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sử dụng hàng địa phương cũng như hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đưa hàng địa phương vươn ra các tỉnh bạn. Sự hỗ trợ đó không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm anh sinh xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek