Thứ Tư, 15/01/2025 05:55 SA
5 năm thực hiện chương trình khuyến công:
Nâng cao giá trị sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
Thứ Hai, 17/05/2010 14:27 CH

Qua 5 năm thực hiện hoạt động khuyến công, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn Phú Yên được phục hồi; du nhập thêm một số nghề mới về thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản bằng công nghệ chiên chân không...  giải quyết việc làm cho hơn chục nghìn lao động có thu nhập ổn định.

 

go-vankhanh3.jpg

Ngành nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tiếp tục được hỗ trợ từ chương trình khuyến công đến năm 2012 – Ảnh: T.Q

 

Nhận xét về hoạt động khuyến công tại Phú Yên, ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho rằng: Phú Yên là địa phương làm tốt công tác khuyến công trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, mặc dù là tỉnh còn khó khăn nhưng Phú Yên cũng đã bố trí ngân sách cho các hoạt động khuyến công. Cục đánh giá cao chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực kinh doanh, xây dựng nhiều dự án mở rộng ngành nghề sản xuất trong danh mục được ưu tiên phát triển của địa phương.

 

Trong nhiều hoạt động khuyến công, hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề là trọng tâm. Hoạt động này có nguồn vốn hỗ trợ lớn và mang lại hiệu quả cao. Trong 5 năm, chương trình khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia và các nguồn vốn khác đã hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng cho 51 đề án đào tạo nghề, phát triển nghề và du nhập nghề mới. Nhiều làng nghề truyền thống bị mai một dần được phục hồi, thu hút nhiều lao động địa phương trở lại với nghề. Bà Nguyễn Thị Lài,  chủ cơ sở làm gốm ở thôn 5 Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: “Từ khi có kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công, làng nghề nhộn nhịp hẳn lên, cơ sở được mở rộng, thu hút nhiều lao động làm nghề”. Hàng loạt làng nghề cũ bị mai một nay được hồi sinh và phát triển, như làng nghề đan lát Vinh Ba, gốm Hòa Vinh, chổi đót Mỹ Thành, chiếu cói Phú Tân, nước mắm Gành Đỏ, thảm xơ dừa xuất khẩu, đan bóng cá mò o Sông Cầu… Các làng nghề truyền thống này mỗi năm thu hút trên 2.500 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 6.500 lao động. Thông qua hoạt động khuyến công, nhiều nghề mới được du nhập, nhân cấy, như gốm mỹ nghệ, thủ công mỹ nghệ từ mây tre, cọng lá dừa, bẹ chuối, vỏ gáo dừa, vỏ ốc, gỗ, đá mỹ nghệ…; sản phẩm công nghệ mới như composite, chế biến nông sản bằng chiên chân không.

 

Chương trình đã làm tốt công tác phát triển nghề mới kết hợp với đào tạo công nhân có tay nghề, đảm bảo việc làm, thu nhập ngay trong lúc học và sau khi hoàn thiện nghề. Ông Trần Đại, Giám đốc Công ty TNHH Trần Đại chuyên sản xuất sản phẩm thêu ren mỹ nghệ xuất khẩu, cho biết: Chương trình khuyến công hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp đào tạo công nhân mới đáp ứng nhu cầu, nâng cao năng lực sản xuất của công ty.

 

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, xây dựng thương hiệu; học tập nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm cũng được quan tâm. Tỉ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu GDP toàn tỉnh từ 22,4% năm 2006 tăng lên 25,5% năm 2009. Trung bình mỗi năm lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thu hút thêm 4.747 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn năm 2009 đạt 2.465,5 tỉ đồng, chiếm 59,27% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

 

Từ những kết quả trên, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà đã ký quyết định phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Phú Yên đến năm 2012. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt 4.900 tỉ đồng, chiếm 76,8% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt 16,8%/năm, giải quyết việc làm, từng bước ổn định và nâng cao đời sống người  dân khu vực nông thôn. Để đạt được mục tiêu trên, chương trình đã xây dựng nội dung hoạt động trong thời gian tới. Đó là, chú trọng hỗ trợ phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông, lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu; phục hồi, phát triển các làng nghề đã được quy hoạch, từng bước nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm của làng nghề; du nhập, hình thành và phát triển một số ngành nghề mới trên cơ sở khai thác thế mạnh của địa phương; hình thành và phát triển các cụm công nghiệp, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

 

Bảy nội dung hoạt động chủ yếu từ nay đến năm 2012 là đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện cho cán bộ khuyến công. Tổng dự toán kinh phí thực hiện khoảng hơn 48 tỉ đồng, trong đó bao gồm kinh phí chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương và nguồn từ các đơn vị thụ hưởng đóng góp.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek