Sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch 11/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh đã có thêm gần 29.000 ha đất các loại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ gọi tắt là GCN). Tuy nhiên so với diện tích cần được cấp GCN mới đạt 75%. Đâu là những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để hoàn thành mục tiêu đề ra khi mà diện tích còn lại hơn 56.660 ha?
Xây dựng bản đồ địa chính, hỗ trợ cho cấp xã đẩy nhanh tiến độ cấp GCN - Ảnh: N.TRƯỜNG
KẾT QUẢ HẠN CHẾ
Đầu năm 2009, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về cấp GCNQSDĐ đến năm 2010 với mục tiêu hoàn thành cấp GCN lần đầu đạt trên 90% đối với tất cả các loại đất (tương ứng với 343.750 ha). Mặc dù có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền cùng những nỗ lực chung của toàn ngành tài nguyên và môi trường (TN-MT) đến nay, toàn tỉnh mới có 257.992 ha đất được cấp GCN, đạt hơn 75% diện tích cần được cấp GCN. Nếu phân theo loại đất, thì nhóm đất phi nông nghiệp (đất ở nông thôn, đất ở đô thị, đất chuyên dùng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất có mặt nước chuyên dùng) đạt thấp nhất với 3.411 ha/ 9.022 ha đạt 37,81% kế hoạch. Tuy vậy, ở từng địa phương cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực như huyện Đồng Xuân cấp GCN cho các tổ chức đạt 98,4% diện tích, huyện Tây Hòa đã cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân đạt 96% so với diện tích cần được cấp.
Năm 2010, diện tích đất cần được cấp GCN là 56.888 ha, Sở TN- MT đề ra kế hoạch của quý I/2010 cấp GCN cho 5.098 ha, nhưng chỉ thực hiện được 222,3 ha, đạt 4,36%. Theo Giám đốc
Phú Hòa là một trong những địa phương tích cực triển khai thực hiện việc cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, đến thời điểm này, có gần 80% diện tích đất các loại của huyện đã được cấp GCN. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với huyện là cấp GCN đất ở nông thôn đạt thấp, với 8.303 hộ trong số 19.635 hộ của huyện có GCN với diện tích 160,6 ha, đạt 34,5% kế hoạch. Ông Nguyễn Xương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm nay, huyện chỉ cấp được 1.465 GCN các loại như vậy còn phải cấp 14.118 giấy nữa. Điều này rất khó hoàn thành vào cuối năm nay.
NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC CẦN GIẢI QUYẾT
Diện tích đất còn lại cần cấp GCN: - Nhóm đất nông nghiệp: 52.289 ha + Đất sản xuất nông nghiệp: 30.507,2 ha + Đất lâm nghiệp: 20.712,6 ha + Đất nuôi trồng thủy sản:1.280,5 ha + Đất làm muối: 121,8 ha + Đất nông nghiệp khác: 28,2 ha - Nhóm đất phi nông nghiệp: 3.967 ha + Đất ở nông thôn: 1.528,6 ha + Đất ở đô thị: 232,3 ha + Đất chuyên dùng: 1.838 ha. + Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: 65,7 ha + Đất mặt nước chuyên dùng: 311,5 ha.
Có thể nói, những khó khăn trong việc cấp GCN đã được ngành chức năng lường trước khi triển khai thực hiện Kế hoạch 11/KH-UBND, nhưng việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc không đồng bộ, kịp thời.
Để làm cơ sở cho việc cấp GCN, các xã phải có hồ sơ địa chính tương đối hoàn chỉnh nhưng còn rất nhiều xã chưa có bản đồ địa chính như Đồng Xuân có 6/11 xã chưa có bản đồ địa chính, Sông Hinh còn 5/11 xã, thị trấn chưa hoàn chỉnh việc đo đạc lập bản đồ địa chính. Các xã còn lại sử dụng bản đồ 299/TTg từ những năm 1992- 1998, thực tế sử dụng đất đã biến động rất lớn song không được chỉnh lý. Các phòng chức năng của Sở TN-MT cũng không thể cùng lúc giúp các xã lập bản đồ địa chính. Trong kế hoạch cấp GCN có 46.915 ha đất lâm nghiệp, dự kiến hoàn thành trong năm 2009, nhưng dự án đo đạc lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do Công ty Đo đạc ảnh địa hình thực hiện chậm dẫn đến 20.712 ha đất lâm nghiệp chưa được cấp GCN.
Trong khi đó, năng lực của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, cán bộ địa chính xã còn hạn chế về nhân sự và chuyên môn, việc xét duyệt hồ sơ kéo dài, chưa bảo đảm chất lượng đã làm chậm tiến độ cấp GCN như đối với đất lâm nghiệp của đơn vị. Ở Sông Hinh, việc cấp “sổ đỏ” theo các Nghị định 64/NĐ-CP, 163/NĐ-CP, 181/NĐ-CP trước đây không thực hiện đúng theo trình tự thủ tục quy định như không kiểm tra thực trạng sử dụng đất, không cắm mốc thực địa dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về nguồn gốc, thời gian sử dụng đất đai xảy ra ở nhiều xã, gây khó khăn không nhỏ đến công tác cấp đổi lại GCN lần này. Từ đầu năm 2010, việc cấp GCN gắn liền với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất theo Nghị định 88/200/NĐ-CP là điểm mới phát sinh trong cấp GCN thế nhưng UBND tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn phối hợp thực hiện theo quy định của Nghị định 88/2009/NĐ-CP cũng sẽ ảnh hưởng tiến độ cấp GCN. Ngoài ra, trong năm 2009, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện còn tiếp thêm một số nhiệm vụ mới như công tác định giá đất, công tác thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trước đây thuộc Phòng Tài chính- Kế hoạch); đầu năm 2010, ngành phải thực hiện một nhiệm vụ lớn khác, là kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo Chỉ thị số 618/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ song không được bổ sung thêm biên chế càng làm ảnh hưởng tiến độ cấp GCN ở các địa phương.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân việc tuyên truyền, vận động nhân dân kê khai, đăng ký làm thủ tục cấp GCN chưa được sâu rộng, một bộ phận nhân dân chưa thấy hết quyền lợi được cấp GCN khi được Nhà nước xác lập quyền sử dụng của mình hoặc chưa có nhu cầu thiết thực nên chưa muốn làm GCN. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Hinh, Hoa Minh Châu: Huyện miền núi Sông Hinh có hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ chưa thật sự quan tâm đến việc cấp “sổ đỏ” nên việc vận động họ làm thủ tục cấp GCN rất khó khăn.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 đoàn kiểm tra việc cấp GCN ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hy vọng, qua đó Sở này có biện pháp hỗ trợ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc ở cơ sở và tiến độ cấp GCN sẽ được đẩy nhanh hơn.
NGUYÊN TRƯỜNG