Ăn ngủ biệt lập giữa rừng để phát dọn thực bì cho dự án trồng rừng kinh tế của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh nhưng nhiều dân nghèo ở huyện Đồng Xuân đang điêu đứng khi làm ròng rã mấy tháng liền mà chưa nhận được đồng nào do những người nhận khoán của công ty này bỏ trốn.
Phải ăn, ngủ giữa rừng để phát dọn thực bì, nhiều dân nghèo ở huyện Đồng Xuân bị những người nhận khoán của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh nợ tiền công (ảnh chụp tháng 8/2009) – Ảnh: H.NAM
THUÊ LÀM NHƯNG KHÔNG TRẢ CÔNG
Nhiều người dân ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 1, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) bức xúc gởi đơn đến các ngành chức năng của tỉnh phản ảnh việc một số người ở tỉnh Bình Định hợp đồng với Công ty cổ phần Trường Thành Xanh phát dọn thực bì tại các tiểu khu 131, 134, 135 theo dạng khoán rồi thuê lại nhân công địa phương thực hiện nhưng sau đó không chịu trả tiền công lao động mà bỏ trốn hơn 3 tháng nay. Những người nông dân nghèo đã phải ăn ngủ biệt lập giữa rừng, làm việc hết sức vất vả trong những khu vực phát dọn thực bì những mong có được ít tiền công nhưng bây giờ không biết đòi tiền ai.
Lần theo địa chỉ trong đơn, chúng tôi tìm đến nhà bà Huỳnh Thị Hoa (52 tuổi), ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3. Bà Hoa cho biết, tháng 8/2009, một người tên Hùng quê ở Bình Định vào nhà gọi công đi phát dọn thực bì tại tiểu khu 135 thuộc địa bàn thôn Thạnh Đức để trồng rừng kinh tế. Tiền công thuê 70.000 đồng/ngày và cứ sau 10 ngày thì thanh toán một lần. Gia đình bà Hoa gồm chồng, con cùng nhiều người khác trong thôn gác lại những công việc có thu nhập khác kéo nhau vào rừng làm thuê cho ông Hùng. 10 ngày trôi qua, ông Hùng có đến hiện trường nhưng chỉ đi hai tay không. Khi bị những người làm thuê đòi tiền thì người nhận khoán này hẹn tuần sau sẽ trả. Cứ thế kéo dài cả tháng khi cả khu rừng được phát dọn xong, những người làm công cho ông Hùng mới “tá hỏa” vì tiền không có, ông Hùng cũng chẳng thấy đâu. Suốt hơn 3 tháng nay, rất nhiều người gọi điện thoại cho người tên Hùng này nhưng không liên lạc được. Hiện ông Hùng còn nợ nhà bà Hoa 3,5 triệu đồng, tương đương 50 ngày công lao động.
Nhắc đến chuyện phát rừng, bà Hoa kể trong nước mắt: Mấy tháng “nằm” rừng làm công, tôi đã một lần suýt chết. Trong lúc đang mải mê chặt cây thì đụng phải tổ ong thế (loại ong mật hung dữ), bu vào đốt, mỗi con ong đốt như đinh đóng vào người, tôi thả rựa ngã vật ra đất rồi cuộn tròn lăn từ trên dốc núi cao xuống. Ong đốt đau quá nên cứ lăn ào ào từ trên đỉnh xuống bất kể gốc cây rừng vừa chặt chỉa như chông. Khi tôi lăn xuống tận suối ong mới tha. Lúc ấy mình mẩy tôi nổi đầy chấm đỏ, sưng vù, về nhà đau đớn và sốt nên nằm bỏ ăn cả tuần.
Gian khổ, vất vả là vậy nên những người làm công bị ông Hùng nợ tiền rất bức xúc. Trong danh sách những người bị nợ tiền, anh Trần Văn Tý cũng ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) có số tiền bị nợ lên đến trên 6 triệu đồng. “Gần 2 tháng trời tôi bỏ cả công ăn chuyện làm, phó mặc việc gia đình cho vợ gánh vác, để đi phát rừng cho ông Hùng mong kiếm được chút tiền, nào ngờ người này lại nỡ “ăn” mồ hôi nước mắt mình” - anh Tý nói.
Không chỉ có người dân ở Xuân Quang 3, mà nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 cũng đang khốn đốn vì ông Hùng còn nợ họ số tiền khoảng 12 triệu đồng. Nhiều người sau một thời gian tham gia phát dọn cho các cá nhân nhận khoán khi thấy việc thanh toán tiền công không sòng phẳng đã chặn người nhận khoán tại cửa rừng đòi nợ dẫn đến tình trạng “xiết” xe máy hoặc ngăn cản không cho đào hố trồng cây trên diện tích mà chính họ đã phát dọn. Ông Trần Văn Ngọc, công an viên thôn Thạnh Đức thừa nhận có việc đòi nợ, xiết nợ gây mất trật tự trong khu vực. Chính ông Ngọc cũng là người nhận lại nhiều diện tích của ông Hùng để phát dọn thực bì, cuối cùng ông Hùng không thanh toán nên tết vừa rồi, ông Ngọc phải bán 3 con bò và hơn 1 tấn lúa để trả bớt nợ cho những người mình đã thuê làm công.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hoàng Sinh cũng cho biết, trong năm 2009, nhiều người dân phản ánh một người ở Đồng Nai nhận khoán phát dọn thực bì cho Công ty cổ phần Trường Thành Xanh bỏ trốn làm rất nhiều dân làm công bị nợ tiền. UBND huyện Đồng Xuân đã mời công ty giải quyết và doanh nghiệp này mới chỉ thanh toán 70% số tiền mà những người nhận khoán còn nợ của dân.
MƯỢN TIỀN, HỨA TRẢ RỒI... “LẶN” MẤT
Theo đơn của ông Lê Phương Nam ở thôn Thạnh Đức (Xuân Quang 3), ngày 10/8/2009, ông Trương Minh Ngọc ở Hoài Ân, Bình Định, một người nhận khoán khác của dự án trồng rừng kinh tế của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh tại tiểu khu 135 cũng thuộc huyện Đồng Xuân, có mượn của ông Nam 25 triệu đồng để giải quyết các khoản nợ công lao động trong quá trình phát dọn thực bì. Vì là người tham gia thi công tại tiểu khu 134 cùng với ông Ngọc, nên khi thấy ông Ngọc bị người dân bao vây đòi nợ, sẵn tiền mới vay ngân hàng ông Nam liền đưa mượn. Trong giấy mượn tiền có xác nhận của Ban nhân dân thôn Thạnh Đức, ông Ngọc cam kết đến ngày 10/9/2009 sẽ hoàn trả. Thế nhưng, sau đó, ông Ngọc thay đổi số điện thoại, khiến ông
Vợ chồng ông Sáu Yến ở thôn Phước Lộc (Xuân Quang 3) cho ông Nguyễn Công Thành và ông Võ Thành Hoàng, ở huyện Hoài Ân, Bình Định - cũng là những người nhận khoán phát dọn thực bì của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh - mượn 13 triệu đồng từ ngày 16/7/2009. Đến nay, hai “con nợ” vẫn bặt vô âm tín. Ông Sáu Yến than thở: “Tôi được ông Thành và ông Hoàng thuê coi công (đốc công) ở tiểu khu 134, thấy dân tràn vào rừng ngăn không cho thi công để đòi nợ. Sẵn có tiền trong nhà, ông Hoàng lại năn nỉ quá nên tôi “mủi lòng” đưa hết số tiền đi vay ngân hàng cho họ. Giờ thì gia đình đang rất kẹt tiền nhưng không biết đến bao giờ mới đòi lại được”.
Còn anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn Thạnh Đức được ông Hoàng nhờ kêu công phát dọn thực bì. Anh Sáu hăng hái gọi cả thảy 500 công lao động là bà con, anh em làng xóm láng giềng đi làm, cuối cùng ông Hoàng không có tiền trả. Khi bị người làm công bao vây đòi “gắt”, ông Hoàng nhờ anh Sáu đến ngân hàng đứng tên để vay 13 triệu đồng thanh toán và hứa 1 tuần sau trả. Đến nay, đã qua 5 tháng, anh Sáu chờ hoài vẫn không thấy ông Hoàng đến trả nợ.
Không chỉ nợ tiền công lao động, những người nhận khoán để phát dọn thực bì của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh còn nợ cả người bán hàng tạp hóa. Cụ thể từ tháng 5 đến tháng 10/2009 (âm lịch), trong khi thi công phát rừng, các ông Võ Thành Hoàng, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Bình đến quán tạp hóa bà Nguyễn Thị Nhị ở chợ Phước Lộc, Xuân Quang 3 mua nợ gạo, dầu và một số mặt hàng khác với số tiền 36 triệu đồng nhưng đến nay chưa trả. Khi biết được chỗ những người này tổ chức trồng rừng, ông Hồ Văn Mỹ, chồng bà Nhị vào rừng cản ngăn, UBND xã phải mời các bên liên quan làm việc.
Khu vực tiểu khu 134 huyện Đồng Xuân đã được phát dọn thực bì – Ảnh: H.NAM
VƯỚNG MẮC GIỮA NGƯỜI NHẬN KHOÁN VÀ CÔNG TY
Làm việc với phóng viên Báo Phú Yên, ông Võ Thành Hoàng xác nhận hiện có nợ tiền công trên 100 người dân. Tuy nhiên theo lý giải của ông này, đây là nợ dây chuyền vì Công ty cổ phần Trường Thành Xanh viện nhiều lý do không trả tiền phát dọn thực bì cũng như khâu xử lý đào hố chưa đạt nên chưa nghiệm thu thanh toán, buộc ông phải nợ tiền của dân.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong hợp đồng ký với Công ty cổ phần Trường Thành Xanh, ông đảm nhận phát dọn thực bì 125ha tại tiểu khu 135, trong đó ông đã thuê công tiến hành phát dọn thực bì khoảng 85ha, công ty tiến hành nghiệm thu 74 ha rừng, trong đó diện tích đốt là 58,1ha. Tuy nhiên công ty nghiệm thu chỉ đạt yêu cầu 45%, do khi đốt còn nhiều cành nhánh chưa gom sạch. Trong số đó công ty đã tiến hành đào hố trồng khoảng 40ha. “Đã tiến hành đào hố trồng cây thì có nghĩa đã đạt 100%, vậy mà công ty cho rằng không đạt là điều không chấp nhận được”, ông Hùng lý luận. Ông này còn cho biết trong hợp đồng phần xử lý thực bì tiền công là 2,2 triệu đồng/ha, do khâu này nặng công nên khi chấp nhận làm ông lên tận Gia Lai thuê công phát dọn với mức 3,2 triệu đồng/ha, trước mắt đáp ứng tiến độ theo hợp đồng ký với công ty. Phần sau gồm vận chuyển cây, trồng, chăm sóc, công ty khoán 1 triệu đồng/ha, ông thuê lại với giá dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/ha để bù lại phần lỗ trước. Nhưng khi hợp đồng còn giá trị thì công ty lại thuê người khác thực hiện công đoạn sau làm ông bị lỗ, phải nợ tiền công của dân.
Ông Võ Thành Hoàng cho biết thêm, tại tiểu khu 131 ông nhận đào hố, bỏ phân 30ha nhưng đến nay công ty chưa cho ứng đồng nào. Tại tiểu khu 134, ông Hoàng nhận phát 9,8ha khi đốt gặp mưa cháy không sạch, công ty không thanh toán tiền và nhiều khoản khác nữa.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Trần Ngọc Bích, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trường Thành Xanh cho biết: Những người nhận khoán phát dọn thực bì, trồng rừng đã vi phạm hợp đồng, không đáp ứng số công lao động hằng ngày tại hiện trường dẫn đến tiến độ thi công chậm nên chúng tôi buộc hợp đồng với người khác để kịp triển khai công việc theo kế hoạch đề ra. Hiện nhiều diện tích phát dọn chưa trồng kịp là do gặp mưa. Về những vướng mắc giữa công ty và bên nhận khoán, mặc dù công ty đã nhiều lần liên hệ để cùng bàn bạc tháo gỡ khó khăn nhưng những người ký hợp đồng vắng mặt.
Tại buổi làm việc giữa Công ty cổ phần Trường Thành Xanh với ông Võ Thành Hoàng vào ngày 22/4, với những phần việc đã được nghiệm thu, ông Hoàng ứng vượt của công ty trên 15 triệu đồng. Còn theo ông Hùng thì đôi bên chưa thống nhất kết quả nghiệm thu trước đó. Tuy nhiên trong bảng đối chiếu công nợ, ông Hùng cũng đã ứng của công ty tổng số tiền trên 130 triệu đồng. Việc ông Hùng không đồng ý cách nghiệm thu phát dọn thực bì một số diện tích, Công ty cổ phần Trường Thành Xanh đã đề nghị ông Hùng thuê tư vấn độc lập. “Chỉ có như vậy mới phân xử được chứ bên nào cũng nói phải về mình thì biết đến bao giờ mới giải quyết được vướng mắc” – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trường Thành Xanh Trần Ngọc Bích cho biết như vậy.
Trong khi những người nhận khoán và Công ty cổ phần Trường Thành Xanh tiếp tục giải quyết những bất đồng, thì hàng trăm người dân ở Đồng Xuân phát rừng khổ cực hàng tháng trời vẫn phấp phỏng đi đòi để được nhận đồng tiền đổi bằng mồ hôi của chính mình nhưng vẫn chưa có được.
HOÀI