Nhiều tháng qua, trên địa bàn các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh không có mưa lớn. Nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài làm cho nhiều diện tích mía bị khô rốc, vàng và cuốn lá. Nếu tình hình nắng hạn tiếp tục diễn biến thì nguy cơ mía chết hàng loạt và có khả năng bị cháy là điều có thể xảy ra.
4 sào mía giống của chị Nguyễn Thị Hằng trước nguy cơ chết khô. - Ảnh: PHƯƠNG
Cách đây chừng một tháng, dọc hai bên đường QL 25 qua huyện Sơn Hòa, chúng tôi thấy bạt ngàn màu xanh cây mía, nhưng giờ đây đã chuyển màu vàng úa. Theo người trồng mía ở đây, nắng hạn kéo dài thêm vài tuần nữa thì cây mía khó có thể cầm cự được. Còn nếu trời có mưa thì cũng chỉ cứu vớt trước nguy cơ bị chết hàng loạt, còn về năng suất thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc giải bày: “Tôi trồng được 3 ha, vụ rồi thu hoạch cũng được kha khá. Nhưng vụ tới thì không thể lường trước được, vì hiện tại mía gốc sau khi chặt và bón phân nhưng nảy mầm rất ít, phần lớn bị khô và teo ngọn. Riêng 4 sào mía để lại làm giống ở sau nhà thì coi như mất trắng, thiệt hại trước mắt gần 30 triệu đồng”.
Niên vụ 2009 – 2010, Sơn Hòa có 8.400 ha mía, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong với sản lượng 370.000 tấn, năng suất bình quân ước đạt trên 50 tấn/ha. Toàn huyện cũng đã kịp thời trồng được gần 550 ha mía. Tuy nhiên, từ tháng 11/2009 đến nay, trên địa bàn huyện do không có mưa nắng nóng lại kéo dài khiến nhiều diện tích mía lưu gốc và kể cả mía vừa được mới trồng bị vàng và cuốn lá, tập trung ở thị trấn Củng Sơn, Suối Bạc và Sơn Hà. Ông Đào Duy Linh - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn bộ diện tích mía trồng mới và trồng lại bị thiệt hại trên 20%. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu thì nguy cơ mía chết trên diện rộng là rất lớn.
Tương tự, huyện Sông Hinh hiện có 1.700 ha mía, diện tích trồng mới hơn 500 ha, cũng nằm trong tình trạng “nắng hạn chờ mưa rào”. Ông Ra Y Rơ ở xã Ea Bia lo lắng: “Tôi xuống giống được hơn một ha, lúc đầu mía lên tốt lắm, nhưng nay không phát lên được. Nắng quá, tình hình như thế này chắc là mất hết” Còn ông Trần Thanh Định - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết, mấy ngày qua, trên địa bàn huyện tuy có mưa vài nơi nhưng lượng mưa không đáng kể, nên cây mía phát triển rất chậm, nhiều diện tích bị đỏ lá không phát triển được. Nếu hai tháng nữa không có mưa lớn trên diện rộng thì chắc chắn mía sẽ chết nhiều, số còn lại mọc thưa thì cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Hầu hết diện tích trồng mía của tỉnh Phú Yên đều không chủ động được nước tưới. Đặc biệt là ở địa bàn miền núi, sản xuất còn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, cây mía phát triển được chỉ trông vào nước trời. Do vậy, nắng nóng kéo dài khiến người trồng mía tỏ ra lo lắng. Gần đây, mía được giá nên nhiều hộ có dự định trồng mía nay thấy thời tiết bất lợi chuyển qua trồng sắn vì cho rằng cây sắn chịu hạn cao hơn, nhưng lại thiếu giống do không có sự chuẩn bị ngay từ đầu vụ. Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Sông Hinh, năm nay, toàn huyện có kế hoạch trồng 1.700 ha sắn nhưng đến nay mới xuống giống được 347 ha vì nắng hạn và thiếu giống, diện tích còn lại đành phải chờ… mưa.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Trước tình hình nắng nóng, ngoài việc tổ chức nạo vét, cải tạo kênh mương, hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, huyện cũng chỉ còn cách chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động nhân dân chủ động tận dụng nguồn nước từ các ao hồ, khe suối trong điều kiện có thể để tưới cho cây trồng, cầm cự chờ mưa xuống, đồng thời nhắc nhở người dân thường xuyên thăm chừng ruộng mía đề phòng cháy trong mùa nắng nóng”.
PHƯƠNG