Thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên phối hợp với các cấp hội phụ nữ trong tỉnh triển khai có hiệu quả nhiều phong trào, chương trình thiết thực giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Đến nay, Mí Lê ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) không quên quãng thời gian cả gia đình quanh năm đi làm cỏ sắn, cỏ mía thuê mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Mí Lê cho biết: “5 năm trước gia đình khổ lắm. Năm nào cũng thiếu ăn vài ba tháng, lại không có vốn phát triển sản xuất. May được cán bộ ngân hàng và Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay vốn để nuôi bò nên cuộc sống đỡ khổ”. Năm 2005, Mí Lan vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò. Sau ba năm, Mí Lê có được đàn bò bốn con. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc sống gia đình Mí dần được cải thiện. Đáng mừng hơn, gia đình Mí Lê chẳng những trả xong vốn vay mà còn tích góp được số vốn để mua hạt giống mở rộng diện tích sản xuất. Mí cười: “Nhờ Nhà nước cho vay tiền mà gia đình mình bây giờ no cái bụng. Vui lắm”. Bà Ksor H’Rin, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh, nói: “Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, thời gian qua nhiều hộ phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sông Hinh từng bước ổn định cuộc sống, nhiều hộ trở thành tấm gương giúp nhau phát triển kinh tế, vượt khó, thoát nghèo”.
Cũng từ chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị La O Thị Lan ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) từ một phụ nữ nghèo trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi. Từø 3 triệu đồng vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư nuôi bò và tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc trồng lúa, trồng bắp, nuôi bò. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị La O Thị Lan thu nhập 25 triệu đồng/năm. Hiện gia đình chị không chỉ đủ ăn, mà còn để dành được tiền để mua xe máy, máy cày phục vụ sản xuất.
Qua khảo sát cho thấy, đời sống của đại bộ phận người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, năm nào thời tiết thất thường thì mất mùa. Đa phần phụ nữ ở đây gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp, thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cho biết: “Thời gian qua, ngân hàng đã tích cực phối hợp các cấp hội phụ nữ, chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều phong trào, chương trình thiết thực tiếp sức cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập... Ngoài ra, còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ dân tộc thiểu số theo cách cầm tay chỉ việc, nhiều chị em đã căn bản thoát đói và giảm nghèo. Hiện trên 60% dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của chi nhánh ủy thác qua hội phụ nữ”.
ANH THƯ