Gần đây do giá nông sản như: mía, sắn…không ngừng tăng cao nên việc ổn định vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất trở thành vấn đề sống còn với các nhà máy chế biến. Việc nhiều hợp tác xã (HTX) làm đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cũng cần có sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.
Bốc mía lên xe tại xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: N.TRƯỜNG
BA BÊN CÙNG CÓ LỢI
Theo Liên minh HTX Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 19 HTX với 9.000 hộ xã viên trồng mía, hơn 4.000 hộ trồng sắn với tổng diện tích trồng mía là 3.000 ha và diện tích trồng sắn gần 1.500 ha tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Đến nay có đến một nửa trong số các HTX trên đang làm đại lý thu mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Điều này có lợi cho nhà máy khi đảm bảo được vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát chất lượng sản phẩm; giúp các HTX nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong phát triển kinh tế địa phương, đồng thời giúp người dân ổn định đầu ra, tránh bị ép giá cũng như tăng thêm nguồn thu nhập.
Với hình thức này, HTX nhận từ nhà máy tiền mặt cùng với giống, phân bón, đem về phát lại cho hộ trồng. Trong quá trình đó, nhà máy hỗ trợ đầu tư cải thiện bộ mặt giao thông nông thôn thông qua việc đầu tư mở rộng và phát triển kết cấu hạ tầng. Đến khi thu hoạch, nhờ xe của nhà máy, HTX sẽ đi gom sản phẩm theo đúng số lượng và kế hoạch đưa ra trong hợp đồng. Điều này góp phần tạo ra sự liên kết bền vững, nhà máy - HTX và người trồng cùng có lợi.
Khi bắt đầu vào vụ, các nhà máy chế biến cử cán bộ chuyên trách xuống tận ruộng tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng, cung cấp trung bình 9 – 10 tấn mía giống/ha, 620 – 700 kg phân bón các loại/ha, hỗ trợ tiền mặt không hoàn lại với mức 1 triệu – 1,5 triệu đồng/ha cho các hộ dân từ nguồn đầu tư của nhà máy.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, một hộ trồng mía ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh cho biết: Trước đây khi chưa được nhà máy bao tiêu sản phẩm, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư cây giống, phân bón cũng như nguồn đầu ra với giá thu mua hợp lý. Do đó, việc ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thông qua HTX làm chúng tôi yên tâm. Bởi khi thu hoạch, giá xuống thì nông dân vẫn bán theo giá hợp đồng, giá lên thì 50% sản lượng bán theo giá hợp đồng, 50% còn lại bán theo giá thị trường”. Còn ông Nguyễn Quang Thu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thị trấn Phú Hòa thì nói: “Nhờ cách làm này mà công tác thu mua, cấp phiếu, điều hành xe vận chuyển có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo được thời gian quay đầu xe để vận chuyển sản phẩm với số lượng lớn, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng nông dân thu hoạch sản phẩm để lâu ngày mới được chở đi như vụ trước”.
CẦN NÂNG CAO TÍNH RÀNG BUỘC GIỮA CÁC BÊN
Trong thực tế, sự liên kết giữa ba bên vẫn còn tồn tại một số những khúc mắc có thể gây ảnh hưởng đến mối liên kết. Theo ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm HTX Long Hà (thị trấn La Hai), do cung lớn hơn cầu nên số lượng hợp đồng ký kết của các doanh nghiệp, nhà máy còn quá ít so với năng lực sản xuất của người dân. Mặt khác quy mô sản xuất của nhiều xã viên ở một số HTX còn nhỏ lẻ nên việc các HTX này vận động bà con để HTX làm đại lý cho nhà máy gặp nhiều khó khăn.
Tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa các hợp đồng ký kết vẫn chưa được thực hiện đầy đủ bởi hiện nay vẫn còn tình trạng bà con nông dân mặc dù đã nhận phân bón và giống của nhà máy từ HTX nhưng khi có sự chênh lệch về giá giữa nhà máy và người mua khác thì bà con không để cho HTX thu gom nguyên liệu bán cho nhà máy mà lại tự ý bán qua trung gian, dù chênh lệch giá chỉ khoảng 500 – 1.000 đồng/tấn. Mặt khác, nhiều nhà máy vẫn chưa thực sự coi trọng vai trò thiết yếu của HTX - không chỉ là đại lý đơn thuần mà còn là tổ chức liên kết các hộ trồng trọt lại với nhau - khi không thanh toán hay thanh toán quá thấp khoản tiền công cho các HTX. Nhiều ruộng mía, sắn ở trên gò đồi cao, để vận chuyển sản phẩm từ ruộng ra đường giao thông cho xe vận chuyển về nhà máy, HTX phải tự bỏ chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, có đôi khi nhà máy không chịu thanh toán lại khoản này cho các HTX.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Liên minh HTX Phú Yên đã phối hợp với Sở Công Thương Phú Yên làm việc với các nhà máy chế biến mía, sắn trên địa bàn tỉnh cũng như phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Ban điều hành chương trình mía đường và Phòng Công Thương các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh nhằm tìm biện pháp giúp các HTX làm đại lý tiêu thụ nông sản. Đồng thời phối hợp tháo gỡ một số vướng mắc giữa các nhà máy và các HTX trong quá trình thu mua nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến nhằm mục đích thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản được duy trì ổn định”.
XUÂN HUY