Có thời điểm Công ty Vận tải biển Phú Yên - nay là Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô đứng trước bờ vực phá sản, giải thể. Bằng những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp này đã vượt khó để giữ được sự phát triển liên tục.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Rô - Ảnh: HOÀI TRUNG |
Công ty Vận tải biển Phú Yên được thành lập sau ngày tái lập tỉnh với tài sản ban đầu chỉ có tàu Phú Yên 01 tải trọng 2250 tấn cùng khoản nợ 10 triệu USD và 100 triệu đồng Việt Nam. Sau đó công ty mua thêm tàu Phú Yên 02 nhưng chưa được bao lâu đã phải bán sắt vụn, thua lỗ nặng nề. Những năm từ 1989 đến 1994 là khoảng thời gian Công ty Vận tải biển Phú Yên gặp khó khăn nhất, việc phá sản, giải thể được tính từng ngày. Trước tình hình đó, những con người tâm huyết với công ty vẫn quyết tâm lèo lái đưa “con tàu” Vận tải biển Phú Yên vượt qua “bão tố”, hướng đến bến bờ của sự thành công. Quyết tâm ấy đã được sự ủng hộ, giúp đỡ đặc biệt của lãnh đạo tỉnh nên khó khăn từng bước được tháo gỡ. Những phương án sản xuất, kinh doanh được đề ra như mở thêm các chi nhánh tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh; thực hiện khoán sản lượng, doanh thu và lãi; mở rộng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu... Nhờ vậy đến cuối năm 1995, Công ty Vận tải biển Phú Yên đã chấm dứt thời kỳ thua lỗ, bắt đầu giai đoạn ổn định và phát triển.
Bước ngoặt trong quá trình hình thành và phát triển của Công ty Vận tải biển Phú Yên là vào năm 2002, khi được tỉnh giao trách nhiệm quản lý và khai thác cảng Vũng Rô. Sau gần 2 năm được chuẩn bị điều kiện để thực hiện một nhiệm vụ rất đỗi quen thuộc nhưng cũng hết sức nặng nề, Cảng Vũng Rô đã đón chuyến tàu hàng đầu tiên cập cảng, mở ra một hướng đi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. Bằng những bước đi vững chắc, đầu tư đúng hướng, Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô đã biến cảng Vũng Rô trở thành một trong những cảng nhộn nhịp của khu vực Nam Trung bộ. Để có thể thu hút khách hàng, khai thác hiệu quả, công ty đã đầu tư nhiều trang thiết bị chuyên dùng như cần cẩu, xe xúc lật, vận chuyển, trạm cân điện tử, tàu lai dắt, kho và bãi chứa hàng. Đội ngũ công nhân xếp dỡ cũng được đào tạo, tập huấn tiến tới chuyên nghiệp hóa. Hiện lực lượng này có 100 công nhân, năng lực xếp dỡ bình quân 2.000 tấn hàng rời, 1.500 tấn hàng bao mỗi ngày. Nhờ tổ chức sản xuất hợp lý, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan như Cảng vụ Quy Nhơn, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục để tàu ra vào làm hàng nên số lượng tàu, sản lượng hàng khai thác qua cảng Vũng Rô trong thời gian gần đây đã tăng cao. Nếu như năm 2005, cảng Vũng Rô mới chỉ đón 20 lượt tàu với sản lượng hàng khai thác trên 18.663 tấn thì năm 2008, Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô đã đạt sản lượng qua cảng 272.168 tấn với 264 lượt tàu cập cảng; năm 2009 là 438.385 tấn, đón 391 lượt tàu. Hiện cảng Vũng Rô rơi vào tình trạng quá tải do lượng tàu vào cập cảng quá nhiều, trong đó có những thời điểm ngoài biển luôn có từ 3 đến 4 tàu chờ đến lượt cập cảng.
Theo ông Nguyễn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô, năm 2010, doanh nghiệp này phấn đấu đạt sản lượng 550.000 tấn hàng hóa qua cảng Vũng Rô. Nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay đồng thời nâng cao năng lực khai thác của cảng Vũng Rô đạt 1 triệu tấn/năm vào năm 2015, dự án đầu tư nâng cấp cảng Vũng Rô đang được triển khai thực hiện, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2010 đến 2012) sẽ xây 2 cầu cảng 1.500 DWT tại bến liền bờ; giai đoạn tiếp theo đến năm 2015 sẽ nâng cấp cầu cảng 3.000 DWT lên 5.000 DWT. Đồng thời, Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô cũng sẽ tổ chức tốt hơn nữa công tác quản lý; hoạt động xếp dỡ hàng hóa ngày một hoàn thiện hơn và đầu tư thêm về cơ sở vật chất. Đầu năm 2010, doanh nghiệp này đã khai trương trụ sở làm việc rất khang trang tại đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa đánh dấu một sự ăn nên làm ra.
HOÀI TRUNG