Thứ Tư, 09/10/2024 00:20 SA
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:
Cách bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp
Thứ Hai, 26/04/2010 13:12 CH

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là biện pháp các doanh nghiệp cần thực hiện nhằm tránh tranh chấp sau này. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Thình, Trưởng phòng Thông tin khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên) xung quanh vấn đề này.

 

thuoc-tan-duoc100426.jpg

Sản phẩm thuốc chữa bệnh của Công ty cổphần PYMEPHARCO là một thương hiệu lớn trên thị trường - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

* Ông có thể cho biết điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ?

 

- Nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện: Nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu là: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự có thể gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

 

* Tổ chức, cá nhân nào có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, thưa ông?

 

- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường, nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký sản phẩm đó. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện như, việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều thamn gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ. Người có quyền đăng ký, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

 

* Vậy tổ chức, cá nhân  có phải bắt buộc đăng ký nhãn hiệu mà mình đang sử dụng không?

 

- Không bắt buộc. Vì đăng ký nhãn hiệu là việc làm tự nguyện của doanh nghiệp. Muốn độc quyền nhãn hiệu thì doanh nghiệp phải tiến hành làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu nhãn hiệu của doanh nghiệp có tiếng trên thị trường mà chưa đăng ký thì rất dễ bị người khác bắt chước sử dụng và họ sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đến lúc này thì doanh nghiệp rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để đòi lại nhãn hiệu của mình nhưng chưa chắc nhãn hiệu hàng hóa đó sẽ thuộc về mình.

 

* Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là gì, thưa ông?

 

- Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu phải có các tài liệu như tờ khai đăng ký nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn. Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ngoài các tài liệu trên còn có các tài liệu sau: Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu; bản đồ xác định lãnh thổ (nếu đăng ký nhãn hiệu chứng nhận).

 

* Cách lập tờ khai đăng ký nhãn hiệu như thế nào?

 

- Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí truệ ban hành và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp điền đầy đủ các thông tin vào tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo quy định về cách lập tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Tổ chức, cá nhân có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới một trong các địa chỉ: Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng. Từ khi đăng ký đến khi được cấp giấy chứng nhận phải trải qua các bước: Thẩm định hình thức 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Công bố trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Thẩm định nội dung 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

 

MINH TRIẾT (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek