Chương trình cùng nông dân ra đồng đã tạo cầu nối giữa nông dân với nhà khoa học trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Ngoài truyền đạt các giải pháp quản lý trên đồng ruộng, chương trình còn giúp nông dân ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Nông dân tham gia mô hình “Cùng nông dân ra đồng” vụ đông xuân 2010 tại HTX NN Hòa Thắng 2 – Ảnh: L.TRÂM |
Vụ đông xuân 2009 - 2010, chương trình cùng nông dân ra đồng triển khai năm mô hình tại năm hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Phú Hòa trên diện tích 20,2ha. Đầu vụ gặp mưa trái mùa, lúa bị ngập úng, ốc bươu vàng phát sinh gây hại nặng. Tuy nhiên cán bộ kỹ thuật Viện Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã “bám ruộng” truyền đạt kỹ thuật cho nông dân chăm sóc lúa. Kết quả, năng suất lúa của chương trình “Cùng nông dân ra đồng” tại các hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Trị 1, Hòa An Đông, Hòa Quang Nam… đạt gần 7 tấn/ha. Riêng năng suất lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Thắng 2 đạt 9,1 tấn/ha. Điều nhiều nông dân phấn khởi khi tham gia chương trình này không chỉ là năng suất lúa đạt cao, mà chi phí trong quá trình sản xuất giảm gần 1 triệu đồng/ha.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, mỗi hécta lúa sản xuất theo mô hình “Cùng nông dân ra đồng” cho lợi nhuận trên 7 triệu đồng. Ngoài khoản lợi nhuận thu được, nông dân còn được tiếp cận phương thức sản xuất mới, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn e ngại khi tham gia chương trình này. Bà Phan Thị Kim Sửu ở xã Hòa An tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng” trên diện tích 2 sào. Thời điểm mới sạ, ruộng lúa thưa thớt không yên tâm, đến giai đoạn cây lúa phát triển thành mạ lúa đẻ nhánh xanh mượt. “Nhờ áp dụng mô hình sạ thưa đã giảm chi phí sản xuất từ việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc…, thế nhưng năng suất lại đạt cao hơn ruộng ngoài mô hình”, bà Sửu nói. Còn ông Đoàn Thái Xuân, ở xã Hòa Thắng sản xuất 1,5 sào, năng suất đạt 450kg/sào. Theo ông Xuân, đây là vụ lúa cho năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Những hộ tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng” còn được cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, gieo sạ, quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Thực tế cho thấy, vụ đông xuân 2009 – 2010 những hộ tham gia chương trình cùng nông dân ra đồng đều nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp của chương trình. Theo kỹ sư Hồ Xuân Tịnh, cán bộ Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, với chương trình này cán bộ kỹ thuật đã cùng với nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, từ đó giúp bà con thay đổi tập quán canh tác chưa phù hợp, giảm bớt các chi phí, tăng năng suất chất lượng. Kỹ sư Tịnh cho hay: “Chương trình này còn áp dụng theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Lâu nay nông dân có thói quen dùng lúa thịt làm giống, sau thời gian gieo trồng đã bị thoái hóa, nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nông dân có thói quen gieo sạ mật độ dày đã dẫn đến cây lúa phát triển kém, tạo điều kiện sâu bệnh phát sinh. Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” đã giúp nông dân thay đổi cơ cấu giống phù hợp, sử dụng giống xác nhận cho năng suất và chất lượng cao, hạn chế sâu bệnh. Ngoài ra khi tham gia chương trình này nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng phân đơn thay cho phân hỗn hợp, giúp nông dân dễ dàng điều chỉnh lượng phân bón phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
LÊ TRÂM - PHƯƠNG