Xây dựng, phát triển hệ thống thị trường bán lẻ đã và đang trở thành một dạng thức kinh doanh mang tính cạnh tranh cao. Quá trình thúc đẩy thị trường bán lẻ ở Phú Yên nên dựa trên các cơ sở kinh tế, các tiền đề về tổ chức của doanh nghiệp để đảm bảo chủ động phát triển nhanh, bền vững.
Người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT
PHÁT TRIỂN CHƯA BỀN VỮNG
Hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông ở Phú Yên phát triển khá đồng bộ là thuận lợi cơ bản để phát triển hệ thống phân phối theo quy mô, loại hình, mặt hàng. Khi thị trường bán lẻ phát triển nhanh, đa dạng do có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tính chất cạnh tranh càng gay gắt, khốc liệt. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ ở Phú Yên đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Biểu hiện rõ nhất là thị trường bán lẻ phát triển chưa bền vững, dễ bị tác động của giá cả thị trường, những đột biến về quan hệ cung - cầu trong nước. Đối với các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; công nghệ, thiết bị còn lạc hậu; tình trạng thiếu vốn kinh doanh còn phổ biến, khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, chưa đa dạng. Tình trạng chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp gây thiếu hụt vốn, rủi ro dây chuyền trong các doanh nghiệp còn phổ biến. Năng lực quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước chưa can thiệp kịp thời để chi phối, lập lại trật tự của thị trường hàng hóa. Năng lực thông tin thị trường chưa nhanh nhạy, thiếu quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế trên là do từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, các cửa hàng bán lẻ của hệ thống thương nghiệp do nhà nước quản lý bị giải thể, chưa có hệ thống bán lẻ thay thế. Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại quốc doanh lại chưa đủ năng lực, chưa thể hiện vai trò chủ đạo chi phối thị trường, nhất là vào những thời điểm căng thẳng. Các doanh nghiệp bán lẻ còn yếu về nội lực, hầu hết nguồn nhân lực bán lẻ chưa qua đào tạo nên kỹ năng giao tiếp khách hàng rất hạn chế…
Các đại lý, cửa hàng bán lẻ vừa thiếu vốn kinh doanh, thiếu công nghệ thiết bị, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Liên kết giữa nhà sản xuất, phân phối còn lỏng lẻo, vì vậy nguồn hàng cho thị trường bán lẻ không ổn định. Trong hệ thống phân phối còn nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ trên cùng khu vực nên hàng hóa đến các cửa hàng bán lẻ với giá cao, thiệt thòi cho người tiêu dùng, làm lợi cho các đơn vị trung gian. Việc tiếp tục phát triển thị trường bán lẻ ở Phú Yên vừa cấp thiết, vừa là vấn đề chiến lược nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, vừa là vấn đề chiến lược nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, gián tiếp giảm nhập siêu.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÁN LẺ CHUYÊN NGHIỆP
Theo chúng tôi, để thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường bán lẻ trên địa bàn Phú Yên, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là tổ chức, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống bán lẻ, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn. Phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước, sớm hình thành mạng lưới phân phối hợp lý, thông suốt trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh cùng tham gia cạnh tranh cung ứng hàng hóa để hàng hóa đến người tiêu dùng bảo đảm chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý nhất. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, tiến tới xây dựng những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ hiện đại, có mạng lưới rộng, phát triển nhanh, đổi mới, phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Củng cố, phát triển hình thức bán lẻ truyền thống, đồng thời hướng tới thương mại điện tử. Tăng cường đào tạo với nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng tiếp thị, bán hàng của doanh nghiệp, dân doanh. Các doanh nghiệp, dân doanh cần có ý thức xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bán hàng, phương thức kinh doanh tiên tiến, phong cách bán hàng văn minh, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, dân doanh. Tuyên truyền nâng cao khả năng của người tiêu dùng nhận biết về chất lượng, công năng hàng hóa để thúc đẩy các nhà sản xuất cải tiến mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh. Cần xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như trốn thuế, gian lận trong kinh doanh, làm hàng giả, hàng nhái, những vi phạm thương hiệu, tiêu chuẩn quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn trong kinh doanh. Để thực hiện có kết quả các giải pháp trên, Phú Yên cần xây dựng quy hoạch, phát triển ngành thương mại, quy hoạch kết cấu hạ tầng thương mại, đồng thời bổ sung, sửa đổi để hướng dẫn phát triển các loại hình kinh doanh thương mại làm cơ sở để doanh nghiệp, dân doanh đầu tư, là tiền đề để kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý.
Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên