Thứ Năm, 10/10/2024 06:24 SA
Nhộn nhịp vùng dừa Sông Cầu
Thứ Ba, 06/04/2010 13:00 CH

Các vùng trồng dừa ở TX Sông Cầu đang vào cao điểm thu hoạch. Đây cũng thời điểm kiếm thu nhập của hàng ngàn gia đình ở địa phương này.

 

Dua-SC2.jpg

Bóc vỏ dừa để làm dầu ở Sông Cầu - Ảnh: A.NGỌC

 

CẢ LÀNG MƯU SINH BẰNG DỪA

 

Đa số đàn ông ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình (TX Sông Cầu) ai cũng biết trèo dừa, nhiều gia đình từ đời này qua đời khác chọn công việc này để mưu sinh. Muốn hành nghề hái dừa phải bỏ ra một số vốn nhất định, chứ không phải đi hái thuê, làm công. Ông Phạm Tám, ở thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, năm nay đã 72 tuổi, kể: “Ngày xưa, khi chưa có nhiều loại dầu ăn thì dầu dừa là lựa chọn số một trong các bữa ăn của người dân nơi đây. Ở địa phương này, mười nhà có đến chín nhà làm nghề nấu dầu dừa để bán đi khắp nơi. Quan trọng nhất là nhà phải có đàn ông, con trai mới có thể đi gom đủ số lượng dừa để nấu dầu. Sở dĩ nghề hái dừa phải bỏ ra một số vốn là vì mình đến mua ở các chủ vườn rồi hái về nấu dầu hoặc bán lại kiếm lời. Nghề bẻ dừa cũng rất đơn giản, chỉ cần dao hái, cây nầm, nài và biết trèo dừa là có thể hành nghề”.

 

Chúng tôi theo anh Phạm Xuân Diệu, con trai ông Tám đi bẻ dừa. Miệng cắn chặt dao hái, hai bàn chân xỏ vào cái nài làm bằng dây thừng rồi ôm thân cây dừa thoăn thoắt trèo lên cây dừa cao khoảng 15m. Chưa được nửa phút, anh Diệu đã lên tới đọt, dùng dao cắt từng trái và cho rơi xuống đất. Công việc chỉ có vậy, hết cây này đến cây khác, hết vườn này sang vườn khác. Dừa được thu gom, lột vỏ, bán lại các đầu nậu. Đó là hái dừa già, còn hái dừa non để làm nước uống phải mang theo dây thừng, hái nguyên buồng. Anh Phạm Xuân Diệu chia sẻ: “Do nhiều người cùng làm nghề này nên nhiều khi không có dừa để mua. Vì thế, phải lập thành nhóm từ bốn đến năm người, tỏa đi các huyện, thậm chí ra các tỉnh lân cận Bình Định, Khánh Hòa để mua dừa, sau đó thuê xe chở về, hoặc bán ngay tại chỗ. Nghề này thu nhập không cao, nhưng hiểm nguy luôn rình rập.

 

MỘT CHỤC = MƯỜI BA, BA TRÁI = MỘT CẶP(!)

 

Hiện nay nhiều vườn dừa ở TX Sông Cầu đang vào thời điểm thu hoạch. Đối với dừa non làm nước uống, giá tại vườn 4.000 đồng mỗi trái, dừa già 25.000 - 30.000 đồng một chục (tính tiền 10 trái nhưng phải đếm 13 trái), tùy theo mức độ dừa già hay non, lớn hay nhỏ. Anh Trần Ngọc Đức ở xã Xuân Lộc, có thâm niên gần 30 năm làm nghề bẻ dừa, cho biết: “Ở Sông Cầu, thời điểm thu hoạch dừa rộ nhất từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Không biết cách tính một chục dừa 13 trái có từ bao giờ nhưng từ khi tôi biết trèo dừa bà con ở đây đã có cách tính này rồi. Những người lớn tuổi giải thích một chục “có đầu” là 12, còn trái thứ 13 là chủ vườn biếu cho người hái gọi là công trèo. Bây giờ cách tính này trở thành phổ biến”. Anh Đức cho biết thêm chính nhờ cách tính này mà gặp khi dừa bị bể hoặc trái nhỏ, người hái có thêm dừa để bù vào, nếu không sẽ bị lỗ ngày công. Việc mua bán dừa ở Sông Cầu đã diễn ra khá nhộn nhịp từ nhiều năm nay. Trong cách mua, bán người ta cũng có nhiều quy định riêng của từng địa phương. Cách tính của chủ vườn cho người đi bẻ dừa là chục 13, còn cách tính của chủ vựa mua dừa ba trái tính một cặp (hai trái). Ông Nguyễn Văn Diệu, ở xã Xuân Bình, một chủ vựa mua bán dừa, giải thích: Khi người mua, bán xem dừa rồi thống nhất giá cả, nhưng trong số dừa đó có những trái nhỏ hơn hoặc bị bể thì những trái này mới được tính ba trái thành một cặp.

 

Bà Nguyễn Thị Phấn, một chủ vựa mua bán dừa ở thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, cho biết: “Các năm trước thời điểm này, trung bình tôi mua 7.000 -10.000 trái dừa mỗi ngày, còn năm nay có ngày chỉ mua được 1.000 trái, có ngày không có trái nào. Chưa có năm nào việc mua bán ế ẩm như năm nay, bạn hàng mua dừa ở các tỉnh gọi điện thoại nhưng không có dừa để cung cấp cho họ”. Còn ông Võ Văn Sự, người trồng dừa ở xã Xuân Bình cho biết: Các năm trước, mỗi cây dừa có 25 – 30 trái, còn năm nay do ảnh hưởng bão số 11/2009 dừa rất thưa, chỉ 10 – 15 trái mỗi cây. Ông Nguyễn Chung Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết: “Bão số 11/2009 đúng vào thời điểm dừa trổ bông nên dừa đậu trái không nhiều. Dừa mất mùa khiến nhân dân mất khoản thu nhập đáng kể”.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek