Sau gần một tháng thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên cho biết rất ít các khoản vay thuộc đối tượng này được giải ngân, bởi người vay “ngán” lãi suất cao.
Khách hàng giao dịch tại DongA Bank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN |
Bà Lê Thị Mỹ Lệ ở phường 8 (TP Tuy Hòa), cho biết đang cần số vốn khoảng 200 triệu đồng để mở rộng cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, nhưng thấy lãi suất cao quá nên còn phân vân. “Hỏi ngân hàng nào lãi suất cũng từ 15%/năm trở lên, “ngán” quá. Nếu giá cả đầu vào không tăng thì mức lãi trên có thể chấp nhận được, còn một khi giá đầu vào như điện, nước, xăng dầu... đều tăng, tính kỹ thấy đầu tư vào thời điểm này chứa đựng nhiều rủi ro”, bà Lệ nói. Còn Ông Lê Văn Toàn, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) thì cho biết, ông cũng đang có nhu cầu vay vốn, nhưng với mức lãi từ 15% đến 17% buộc ông phải xem xét lại, vì lợi nhuận trong kinh doanh chỉ ở mức khoảng 13%/tổng vốn đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với mức lãi suất như hiện nay, tuy có “linh động” từ 15 – 17%/năm, song khó mà vay được mức lãi 15%. Và mức lãi suất 15% cũng chỉ có ở các ngân hàng thương mại nhà nước, còn các ngân hàng thương mại cổ phần thì đến 17%. Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Huy Hoàng (TP Tuy Hòa) phân tích: Với lãi suất 15% - 17%/năm, doanh nghiệp không thể chịu nổi. Năm 2009, doanh nghiệp làm ăn được là nhờ một phần của chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất vốn vay, giảm, giãn thuế… Năm nay, khi tình hình kinh tế chưa mấy sáng sủa thì lãi suất ngân hàng đã nhảy vọt, khả năng thua lỗ của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn. Trong khi đó, sức chịu đựng của doanh nghiệp có giới hạn.
Ngoài việc giúp các tổ chức tín dụng hợp thức hóa các khoản chi phí phụ khi huy động vốn với lãi suất cao, có vẻ Thông tư 07/2010 của Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay vốn trung và dài hạn vẫn không giúp khai thông dòng vốn được bao nhiêu. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Phú Yên tiết lộ, hồ sơ xin vay vốn rất ít. Có hai lý do khiến không nhiều người vay vốn trung và dài hạn, một phần lãi suất quá cao và ngân hàng đang vướng quy định về tỉ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn không được quá 30%. Do đó, các khoản vay thỏa thuận lãi suất theo Thông tư 07 không hấp dẫn như dự kiến ban đầu. Một cán bộ tín dụng của chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên nhận xét: Với mức lãi suất từ 15% trở lên, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện rất ít doanh nghiệp “gõ cửa” Vietinbank để vay vốn trung và dài hạn. Do đó, việc huy động vốn ồ ạt trong khi cho vay ra không nhiều, khả năng “ứ” vốn có thể sẽ diễn ra.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng cũng rất dè dặt với các khách hàng “dám” vay lãi suất 15% trở lên, bởi tính rủi ro rất cao. “Gần như không doanh nghiệp nào chịu nổi mức lãi trên, ngược lại nếu doanh nghiệp dễ dàng đồng ý vay với mức lãi suất cao, ngân hàng cũng nên xem lại để tránh rủi ro khi đầu tư vốn vào những phương án kinh doanh không hiệu quả, thậm chí là biến tướng và khó thu hồi nợ”, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại cảnh báo.
NGUYỄN QUANG