Thứ Năm, 10/10/2024 10:29 SA
Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch:
Tôm lại chết, người nuôi lao đao
Thứ Ba, 30/03/2010 07:30 SA

Gần một tháng nay, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đành bất lực nhìn tôm nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng hiện đã có trên 90% diện tích ao đìa phơi đáy, nhiều nông dân trắng tay, nợ nần chồng chất...

 

Tom.jpg

Người nuôi tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch thu hoạch tôm bị bệnh để gỡ lại vốn. - Ảnh: A.NGỌC

 

NHIỀU VÙNG NUÔI BỊ XÓA SỔ

 

Vụ nuôi tôm năm nay, chỉ tính riêng hai xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm đến nay đã có trên 90% trong 437 ha thả nuôi bị dịch bệnh. Nhiều vùng nuôi bị xóa sổ bởi dịch bệnh hoành hành như Đồng Voi, Đầu Đá, Đồng Quánh, Đồng Quao, Đồng Cương, Đồng Gieo, Cồn Giữa, Cồn Khô, Gò Đình, Gò Kè, Phước Giang, sông Ngọn… Ông Đinh Văn Lắm, ở xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay chúng tôi không mua con giống không rõ nguồn gốc, mà mua từ những công ty đã có thương hiệu trên thị trường như CP, Việt Úc, Nam Á, 101, Nam Mỹ… Tất cả đều được kiểm dịch trước khi con giống xuất bán. Thế nhưng thả nuôi chỉ trong một thời gian ngắn thì tôm bị bệnh. Riêng gia đình tôi thả nuôi ở hai khu vực Đồng Voi và Đầu Đá với diện tích 1,5ha (một hồ thả nuôi được 20 ngày và một hồ thả nuôi được 40 ngày), cả hai hồ đều bị dịch bệnh. Vì tôm còn nhỏ nên khi bị chết, kéo bán xô chỉ thu lại được vài triệu đồng, lỗ trên 150 triệu đồng”. Còn ông Võ Xuân Thế ở thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm cho hay gia đình ông thả nuôi hai lần trên diện tích 1,2ha và cả hai lần đều bị dịch bệnh. Triệu chứng là tôm bỏ ăn, nổi lên mặt nước rồi đâm đầu vào bờ chết. Có thể tôm bị bệnh đỏ thân. Gia đình ông Thế đã mua nhiều loại thuốc để xử lý nước trong hồ nuôi và chữa bệnh cho tôm, nhưng tôm vẫn cứ chết. Tính ra, hai vụ nuôi ông Xuân lỗ gần 200 triệu đồng.

 

Theo ông Đinh Văn Thu, cán bộ khuyến ngư xã Hòa Hiệp Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở tôm, trong đó nguyên nhân chính là do nguồn nước bị ô nhiễm. Tình trạng nắng nóng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã làm nước trên sông Bàn Thạch bị cạn kiệt, dòng chảy không được thông suốt. Một số người nuôi thiếu ý thức đã xả nước thải của những ao hồ bị dịch bệnh ra sông, khiến cho dịch bệnh lay lan trên diện rộng. Ngoài ra, mật độ thả nuôi quá dày, khoảng 100 con/m2 cũng góp phần cho dịch bệnh trên con tôm bùng phát. Ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên đã lấy mẫu nước để xét nghiệm nhưng chưa cho kết quả. Trong khi đó, người nuôi tôm tỏ ra nghi ngờ khâu kiểm dịch con giống, bởi các năm trước, dịch chỉ xảy ra cục bộ ở một số vùng nuôi, còn năm nay đa số giống đều qua kiểm dịch nhưng lại bùng phát dịch bệnh cùng một lúc trên diện rộng. Trong khi đó, ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Đông Hòa, cho rằng gần đây người nuôi tôm không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật là tác nhân gây dịch bệnh tràn lan. Nghiêm trọng hơn là môi trường nuôi bị phá vỡ, nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm bởi hệ thống dẫn nước dùng chung cho việc cấp và thoát. Người nuôi cũng thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tự ý xả nước thải bừa bãi ra sông. Nhiều quy chế vùng nuôi được ban hành, nhưng người nuôi lại không thực hiện. Để hạn chế dịch bệnh trên tôm, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp quản lý môi trường nuôi, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

NỢ CHỒNG LÊN NỢ

 

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều người muốn chuyển nghề khác nhưng cũng không dễ vì phần lớn diện tích lúa đã chuyển sang nuôi tôm và bị nhiễm mặn. Một số người phải ly hương đi nơi khác làm thuê kiếm sống qua ngày, một số thì có ý định tiếp tục nuôi nhưng lại thiếu vốn… Ông Huỳnh Văn Cẩm, ở xã Hòa Hiệp Nam, cho biết gia đình ông chỉ thả nuôi 3.000m2  nhưng lỗ gần 35 triệu đồng. Hiện ông Cẩm đang tiếp tục vay vốn để cải tạo ao hồ, thả nuôi vụ thứ hai. Mặc dù biết trước nếu thất bại sẽ thêm nợ nần, nhưng ông Cẩm không còn cách nào khác để “gỡ” số vốn đã thua lỗ từ những vụ tôm trước. Ông Huỳnh Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết: “Xã Hòa Tâm hiện có 1.120 hộ, nhưng có đến hơn 90% số hộ nuôi tôm. Thống kê sơ bộ, có 250ha đã thả nuôi bị lỗ vốn, chiếm 90% diện tích nuôi tôm của xã”.

 

Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) hiện có trên 1.200ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tập trung ở ba xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông.

 

NGỌC CHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thu hoạch mía theo khoán... bó
Thứ Hai, 29/03/2010 16:00 CH
Cần một nhạc trưởng
Thứ Hai, 29/03/2010 13:00 CH
Gỡ khó, giúp doanh nghiệp phát triển
Thứ Hai, 29/03/2010 07:15 SA
GDP cả nước trong quý 1 tăng trưởng 5,83%
Thứ Hai, 29/03/2010 07:09 SA
Khai trương dịch vụ truyền hình số MyTV
Thứ Bảy, 27/03/2010 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek