Thu hoạch mía bằng phương thức thủ công, nhưng người làm công không phải đi làm công nhật theo ngày, mà chỉ tranh thủ buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi chiều. Cách làm này vừa giải quyết tình trạng thiếu lao động ở vùng nông thôn, vừa tăng thu nhập cho lao động nông nhàn.
Thu hoạch mía ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: H.NAM
Bà Trần Thị Định, ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An), hàng ngày ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi heo, gà, bà còn kiếm thêm thu nhập từ việc thu hoạch mía cho người khác. Bà Định cho biết, có ngày mới tờ mờ sáng đã đi thu hoạch mía, khoảng 9 giờ về nhà phơi sắn, cho heo ăn.... Chiều lại tranh thủ thời gian đi thu hoạch mía.Có ngày, sáng đi chợ, trưa thu hoạch mía đến chiều. Mía được thu hoạch được tính theo từng bó và thanh toán tiền ngay tại chỗ. Còn bà Lê Thị Thủy, ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho hay, thay vì đi chăn bò bà đã nhốt bò trong chuồng đi thu hoạch mía cho người khác. Ngoài việc lấy được ngọn mía cho bò ăn lại còn được tiền. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay tôi ở nhà vừa chở con đi học, vừa nuôi bò và thu hoạch mía để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, bà Thủy cho biết.
Một bó mía sau khi thu hoạch được trả 1.000 đồng. Thanh niên, trai tráng một ngày thu hoạch gần trăm bó mía, còn phụ nữ cũng được 70 bó, tương đương 70.000 đồng. Anh Lê Văn Trung, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết: Ngoài việc đi cày tôi còn tranh thủ thời gian thu hoạch mía thuê, chỉ nửa buổi kiếm được 30.000 đồng. Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân (huyện Tuy An) cho biết: Những năm gần đây, sau tết thanh niên trong xã đi vào các tỉnh phía Nam làm thuê tại các khu công nghiệp, trong khi đó việc thu hoạch sắn, mía lại cần một lượng lớn lao động phổ thông.
Tình trạng khan hiếm lao động trẻ tại các vùng nông thôn đã đến mức trầm trọng, trong khi đó số người còn bám trụ lại địa phương đa phần là phụ nữ và những người lớn tuổi, không thể đảm đương những công việc nặng nhọc. Nếu thuê lao động làm công nhật trong việc thu hoạch mía, sắn thì không dễ tìm, vì vậy cách thuê lao động thu hoạch mía trả tiền theo từng bó sẽ tận dụng được thời gian nông nhàn của những người không đủ sức làm công nhật. Theo ông Lê Hoài Phong, chủ trang trại mía ở vùng 13, xã An Nghiệp (huyện Tuy An), nếu thu hoạch mía trả tiền theo công nhật, nhiều khi người làm không tích cực làm việc, còn thuê công làm theo hình thức trả tiền từng bó mía thì không cần phải túc trực tại đám mía, người làm thuê vẫn làm một cách nhiệt tình vì khi cuối ngày tính số lượng trả tiền.
LÊ TRÂM