Hai làng biển Hòa Lợi, Hòa Thạnh thuộc xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) vốn nổi tiếng với nghề khai thác và nuôi tôm. Thế nhưng, trận lũ tháng 11/2009 đã “xóa sổ” gần như toàn bộ vùng nuôi tôm ở địa phương này; cuộc sống của gần 550 hộ dân bỗng chốc trắng tay, nợ nần chồng chất.
Lồng nuôi tôm ở Hòa Lợi nằm ken dày trước mặt đầm Cù Mông (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) - Ảnh: N.L |
“XÓA SỔ” VÙNG TÔM HÙM
Đang mùa biển, mùa khai thác và nuôi tôm hùm, thế nhưng hàng trăm tàu thuyền… nằm bờ. Lồng nuôi tôm hùm nằm chỏng chơ, ken dày trước mặt đầm, ngư dân thì ở nhà vá lưới hoặc “ngồi chơi xơi nước”… Đó là cảnh tượng mà chúng tôi bắt gặp ở hai làng biển Hòa Lợi, Hòa Thạnh nằm bên đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Cảnh.
Trong căn nhà nhỏ bằng gạch chưa tô vữa, bà Phạm Thị Bền đang vót từng cây mò o để đan bóng (đan bóng gần giống như đan lờ thả cá ở ruộng đồng) bán cho người dân đánh bắt cá. Chị Bền bộc bạch: “Chồng mất sớm, tôi phải cực nhọc nuôi bốn đứa con ăn học. Năm trước, gia đình dành dụm tiền, vay thêm ngân hàng 15 triệu đồng thả nuôi 200 con tôm hùm. Đến khi tôm đạt trọng lượng từ 0,3 – 0,4kg thì gặp lũ làm tôm sốc nước ngọt chết sạch. Bây giờ trắng tay, đời sống đã khó lại thêm khó hơn. Bây giờ mấy mẹ con chỉ biết đan bóng sống qua ngày”. Không giống như hoàn cảnh chị Bền, gia đình ông Phạm Văn Ba khá giả hơn, đã đầu tư một chiếc thuyền 12CV chuyên nghề chong mành đánh bắt tôm hùm giống và khai thác cá giã cào. Thế nhưng, mùa này thuyền của ông Ba cũng đành… nằm bờ, do chong mành không có tôm, lỗ tiền dầu. Ông Ba than thở: “Tôi thả nuôi 600 con tôm hùm, lũ tràn về làm tôm chết và trôi hết ra biển. Cuộc sống cả gia đình chỉ còn biết bám vào chiếc thuyền để làm ăn, nhưng tôm hùm giống ngày càng khan hiếm, không biết phải làm gì để cải thiện cuộc sống gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Nhằm, trưởng thôn Hòa Lợi với nét mặt đăm chiêu, nói: Mùa trước, tôm hùm nhiều, giá rẻ, bà con dốc hết vốn vào nuôi với số lượng trên 2.000 lồng. Làng biển sôi động, nhà nhà đều lao vào làm biển, từ khai thác tôm giống, đánh bắt cá giã cào, đan lưới làm lồng tôm, chăm sóc tôm… Ai ngờ, lũ đã “xóa sổ” gần như toàn bộ vùng tôm thả nuôi ở đây, đời sống của bà con lâm vào cảnh khó khăn.
Ngư dân thôn Hòa Thạnh neo thuyền nằm bờ xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) - Ảnh: N.L |
THIẾU VỐN, KHÓ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ
Khai thác tôm hùm giống và nuôi tôm hùm thương phẩm vốn là nghề xóa đói giảm nghèo của ngư dân hai làng biển Hòa Lợi, Hòa Thạnh. Thế nhưng, từ đợt lũ tháng 11/2009 đến nay người dân vẫn chưa thể thả nuôi vụ tôm mới. Theo ông Nguyễn Văn Hổ, trưởng chi Hội nông dân thôn Hòa Lợi, cả thôn có đến 450/599 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại với số tiền hàng chục tỉ đồng. Nợ vốn vay ngân hàng gần 9 tỉ đồng. Hiện ngư dân không còn vốn, trong khi đó nghề nuôi tôm cần vốn đầu tư rất lớn, giá tôm hùm giống quá cao và ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn đối với các hộ còn nợ nên bà con không biết xoay xở thế nào.
Gần 20 năm nay, ngoài nuôi tôm hùm, người dân hai thôn Hòa Lợi và Hòa Thạnh chỉ làm nghề chong mành bắt tôm hùm giống ở gần bờ biển. Nhưng mùa này, tôm hùm giống trở nên khan hiếm. Ông Dương Thanh Bình ở thôn Hòa Lợi cho hay: Mấy ngày hôm nay khai thác chẳng được con tôm nào, thuyền của tôi và nhiều người khác đành phải… nằm bờ. Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh cho biết, toàn xã có 409 chiếc tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có trên 370 chiếc ở làng biển Hòa Lợi, Hòa Thạnh. Do tàu thuyền công suất nhỏ chỉ có thể khai thác gần bờ, nên không thể vươn khơi. Điều này dẫn đến tình trạng khi nguồn tôm giống cạn kiệt thì thu nhập của người dân cũng… cạn theo.
Ông Lê Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, cho biết chính quyền địa phương đang liên hệ với các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp Bắc Sông Cầu để giải quyết lao động dôi thừa ở thôn Hòa Lợi và Hòa Thạnh. Vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền, chuyển nghề khai thác các loại hải sản khác để cải thiện cuộc sống. Ngành ngân hàng cần có chính sách khoanh, giãn nợ và tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất.
LƯU PHONG - NGỌC CHUNG