Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa Luật Bảo vệ - Phát triển rừng vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Lực lượng kiểm lâm trao đổi kinh nghiệm sau khi luyện tập phòng chống cháy rừng. - Ảnh: N.TRƯỜNG
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền miệng, trên các phương tiện truyền thông, thông qua cổ động trực tiếp, tổ chức các hội thi… sẽ góp phần làm cho mọi người nâng cao sự nhận thức trong việc thực hiện tốt Luật Bảo vệ - Phát triển rừng và các chính sách về lâm nghiệp.
THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ SỰ PHỐI HỢP
Hằng năm, công tác tuyên truyền đều được các đơn vị kiểm lâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, nhưng thực tế tình hình vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Liệu có phải do chất lượng tuyên truyền của các đơn vị kiểm lâm còn nhiều hạn chế, cách tổ chức, phương pháp tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu làm cho nhận thức về luật, các chính sách lâm nghiệp của người dân chưa thực sự nâng cao? Mặt khác, tính chủ động, sáng tạo, sự phối hợp liên ngành giữa kiểm lâm và các tổ chức đoàn thể, chính quyền, già làng… chưa thực sự tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân cùng nhau tham gia thực hiện công tác tuyên truyền. Hiện nay, đa số các đơn vị kiểm lâm cấp huyện chưa có bộ phận tuyên truyền; công tác này thường giao cho các trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng chính quyền cấp xã tổ chức. Thông thường, trong các buổi họp dân có tuyên truyền luật, các văn bản có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, giải đáp những thắc mắc, bức xúc của người dân trên địa bàn… Nếu đơn giản thì được trả lời tại chỗ, còn lại hầu hết báo cáo về cấp trên để chỉ đạo phương án trả lời. Việc trao đổi trực tiếp như thế thường làm cho cán bộ kiểm lâm khó tránh khỏi lúng túng, mất tự tin vì câu hỏi của người dân thường là những bức xúc tức thời, những nhu cầu về đất sản xuất, làm trang trại, gỗ làm nhà, trang trí nội thất… Những câu hỏi nhiều khi vượt thẩm quyền giải quyết của một cán bộ kiểm lâm. Mặt khác, giữa kiểm lâm và các tổ chức đoàn thể như hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, già làng, các gia đình đã tiến hành ký kết liên ngành thực hiện quy ước để có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về luật, các chính sách về lâm nghiệp trong thành viên của tổ chức mình, gia đình mình, nhưng sau khi ký kết, việc kiểm tra đánh giá hiệu quả chưa được thực hiện một cách đúng mức. Do đó, vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách có hiệu quả. Thực tế, ở một số địa bàn do có sự phối hợp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp nên nhận thức của nhân dân nâng lên một cách rõ rệt, thể hiện qua số vụ vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng ngày càng giảm, các gia đình tham gia vào công tác trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng nhiều. Hiệu quả công tác bảo vệ rừng cao, thể hiện công tác tuyên truyền đã đóng góp một phần không nhỏ.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xin đề xuất một số biện pháp sau đây:
Trước hết, cần nhận thức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp để từ đó đơn vị kiểm lâm có một kế hoạch đúng đắn, phân công cán bộ thực hiện, biên tập các nội dung cho phù hợp với điều kiện ở từng địa phương.
Về phương pháp tuyên truyền, tập trung cho phương pháp tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền phải dựa trên cơ sở Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, các chính sách về lâm nghiệp. Bên cạnh những thuật ngữ, từ ngữ của luật còn có thể giải thích cụ thể cho phù hợp tùy theo từng điều kiện của mỗi địa bàn, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa… Sự truyền đạt của các từ ngữ, các thuật ngữ chuyên ngành nếu không giải thích cụ thể sẽ làm cho người dân khó hiểu, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền bị hạn chế. Đây là một thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương.
Kỹ năng tuyên truyền cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Do vậy, cán bộ kiểm lâm khi tuyên truyền cần có sự diễn đạt lưu loát, có logic, ứng xử một cách linh hoạt, tác phong gọn gàng, phải tạo khoảng cách gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải thích những câu hỏi của dân một cách rõ ràng, có khoa học. Để làm được điều này, cán bộ kiểm lâm khi tham gia tuyên truyền ngoài phẩm chất đạo đức còn phải có bản lĩnh, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ cả về mặt kỹ thuật, pháp luật. Mặt khác, còn có sự đầu tư nghiên cứu từ sách báo, nắm bắt những mô hình hay, cách làm giỏi, các điển hình để vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh địa bàn.Với các địa phương có đầu tư của các chương trình dự án về lâm nghiệp, cần chú trọng đến một số cá nhân điển hình tiên tiến. Phần này liên hệ càng nhiều sẽ tạo được lực lượng hỗ trợ đắc lực về công tác tuyên truyền.
Hằng năm, cần thiết phải tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên giỏi do chi cục kiểm lâm tổ chức. Ngoài cán bộ kiểm lâm địa bàn, trạm trưởng tham gia hội thi còn có sự tham gia của nhân dân được tuyển chọn từ cơ sở. Qua hội thi, thành phần tham gia sẽ nhận thức được tính chất, vai trò, đặc điểm của công tác tuyên truyền, học hỏi những phương pháp mới để vận dụng và khắc phục, rút kinh nghiệm những hạn chế mắc phải trong công tác tuyên truyền.
Thông qua các bản ký kết quy ước… giữa kiểm lâm với các ngành, địa phương, các già làng, đơn vị kiểm lâm cần chủ động thường xuyên để đánh giá quá trình thực hiện, hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng sau khi ký kết xong, chờ chỉ đạo của các cấp mới tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đối với những cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp, cần phải xác định đối tượng trong tổ chức nào, hội nào, khi tiến hành phối hợp để trực tiếp vận động đối tượng, phải thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi đến vận động, tuyên truyền cần phải có sự tham gia của già làng.
PHAN VĂN ĐOAN
(Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên)