Bệnh đạo ôn đang phát triển mạnh trên lúa đông xuân ở Phú Yên. Trong khi đó, thời tiết hiện nay khiến bệnh lây lan nhanh, khiến hàng trăm ha lúa có nguy cơ mất mùa.
Nông dân phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) phun thuốc trừ đạo ôn – Ảnh: L.BIẾT |
ĐẠO ÔN LÂY LAN NHANH
Đến nay, đã có gần 100 ha lúa đông xuân ở Phú Yên bị bệnh đạo ôn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân... Tại các xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp
Trong vụ lúa đông xuân 2010, các giống lúa bị nhiễm đạo ôn nhưng có tiềm năng năng suất cao vẫn được nông dân đưa vào sản xuất đồng loạt, nhất là giống IR 17494. Ngoài ra, giống ML 202 mà ngành bảo vệ thực vật đánh giá là nhiễm đạo ôn mấy năm nay cũng được nông dân lựa chọn để sản xuất, càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh đạo ôn. Thêm vào đó, bệnh xảy ra trong thời điểm trong và sau tết, lúc nông dân vẫn chưa chú trọng thăm đồng phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
PHẢI PHÒNG TRỪ ĐẠO ÔN ĐÚNG CÁCH
Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, nói: “Khi bệnh xuất hiện, cách tốt nhất là dùng đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, phải đủ nước; phải phun cho đúng kỹ thuật. Đặc biệt, để tránh đạo ôn cổ bông, khi lúa trổ, dù bệnh đã trừ hết hay không nông dân cũng phải phun thuốc lại một lần. Nếu bệnh nặng thì 5, 7 ngày sau khi lúa trổ tiếp tục phun lần nữa mới mong ngăn ngừa đạo ôn phát sinh gây hại”. Ông Doãn khuyến cáo: Ở huyện Đông Hòa và một số vùng giáp ranh núi, có sương mù sáng sớm, nông dân phải thăm đồng hằng ngày. Nếu phát hiện lúa bị bệnh, phải phun thuốc phòng trừ ngay. Vừa qua Phú Yên đã trải qua trận lụt lớn, phù sa bồi đắp trên đồng ruộng nhiều nên tốt nhất là nông dân bón phân theo bản so màu lá lúa để hạn chế thấp nhất tình trạng thừa đạm, cây lúa dễ nhiễm đạo ôn”.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: “Từ mùng ba Tết Nguyên đán đến nay, các lực lượng chức năng huyện Đông Hòa xuống đồng để hướng dẫn nông dân cách phòng trừ dịch bệnh. Đến nay, đạo ôn đã được ngăn chặn ở một số vùng. Tuy nhiên, nông dân còn phải theo dõi thường xuyên và trên diện rộng thì mới mang lại kết quả trong phòng trừ”.
10 năm trước, nông dân Phú Yên bị mất mùa do bệnh đạo ôn, hàng ngàn ha lúa bị nghẽn đòng, không trổ được, số khác bị lép hạt đến 80, 90%. Hiện bệnh đạo ôn đang phát sinh, lây lan, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các địa phương là khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý dịch bệnh, phòng trừ hiệu quả, tránh hậu quả mất mùa lặp lại như nhiều năm trước do chủ quan, lơ là.
LÊ BIẾT