Thứ Bảy, 12/10/2024 10:15 SA
Túi ni lông, tiến bộ hay thụt lùi?
Thứ Năm, 25/02/2010 16:00 CH

Túi ni lông được giới thiệu vào năm 1862 bởi nhà hóa học người Anh Alexander Parkes. Sự ra đời của loại túi này bước đầu được đánh giá là một phát minh mang tính ứng dụng cao trong đời sống bởi đặc tính nhẹ, chắc chắn, không thấm nước, tiện lợi và giá thành rẻ so với loại túi xách được sử dụng thông dụng thời bấy giờ. Tuy nhiên đến nửa thế kỷ sau, con người phải bắt đầu trả giá cho những tiện lợi mà túi ni lông mang lại.

 

rac.jpg

Rác thải chứa trong túi ni lông vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực nông thôn - Ảnh: N.T

 

TÚI NI LÔNG GÂY HẠI NHƯ THẾ NÀO?

 

 “Ô nhiễm trắng” là cái tên mà các nhà khoa học đặt ra để nói về sự lạm dụng trong sử dụng túi ni lông. Ở bất cứ đâu người ta đều dễ dàng nhìn thấy túi ni lông với đủ mọi hình thức, trạng thái dù là chưa hay đã qua sử dụng.

 

Vấn đề môi trường mà túi ni lông tạo ra liên quan chặt chẽ đến chất lượng làm túi. Túi ni lông được sản xuất từ polyetylen, có nguồn gốc từ dầu mỏ, do đó quá trình tự phân hủy diễn ra rất chậm. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác về thời gian mà túi ni lông có thể tự phân hủy hoàn toàn, con số ước tính có thể lên đến hàng triệu năm. Ngay cả quá trình sản xuất túi ni lông được đánh giá là một trong những quá trình gây ô nhiễm không khí với lượng CO2 thải ra khá lớn. Các nhà khoa học đã chứng minh nếu sản xuất ra 2 túi ni lông sẽ tạo ra 1,1g chất gây ô nhiễm khí quyển.

 

Khi được thải bỏ, sau một thời gian tồn lưu trong môi trường, túi ni lông sẽ phân hủy thành các phần tử nhỏ hơn với mức độ độc hại không thay đổi, nhưng khả năng xâm nhập vào môi trường, thực phẩm lại tăng lên nhiều lần và từ đó mức độ gây hại đến con người là rất lớn. Sự có mặt của túi ni lông trong môi trường đất gây cản trở các quá trình hoạt động của vi sinh vật, làm giảm độ dinh dưỡng của đất, ảnh hưởng đến cây trồng, mùa màng. Những túi ni lông được vứt bừa bãi sẽ theo các kênh, rạch ra sông, biển. Người ta tìm thấy nguyên nhân gây tắc nghẽn ở rất nhiều kênh, rạch nội thành là do sự tồn ứ túi ni lông. Nghiêm trọng hơn, Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới đã cảnh báo: “Túi ni lông có thể là thảm họa kết liễu đời sống của nhiều loài sinh vật” khi tìm thấy nhiều cá thể thuộc khoảng 200 loài sinh vật biển đã chết sau khi nuốt phải túi ni lông do nhầm tưởng là thức ăn, nhiều loài khác cũng bị chết ngộp khi chui đầu vào túi ni lông. Tại các bãi rác, túi ni lông chiếm khá nhiều diện tích dành cho các loại rác khác do khả năng tự phân hủy của chúng rất chậm. Việc tái sử dụng đất sau khi đóng cửa các bãi rác cũng gặp không ít khó khăn.

 

Như vậy, tất cả các giai đoạn trong vòng đời của túi ni lông, từ sản xuất đến thải bỏ đều gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và con người.

 

CÓ THỂ LOẠI TRỪ TÚI NI LÔNG?

 

Không còn xa lạ gì khi ở đâu chúng ta cũng nghe những từ túi sinh học, túi tái chế, hay những câu biểu ngữ như “Hãy nói không với túi ni lông”… Điều đó chứng tỏ con người đã nhận thức được các tác hại của túi ni lông. Nếu như ở các nước phát triển, những hành động nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông đã được thực hiện và thu được kết quả khả quan, thì ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cuộc chiến với túi ni lông chỉ mới bắt đầu. Bằng các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện đại chúng và các hoạt động cộng đồng, người dân đã nhận thức được phần nào tác hại mà túi ni lông tạo ra. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen, hành vi lại là một khía cạnh khác.

 

Sự vào cuộc của các siêu thị, trung tâm thương mại trong việc không phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng chính là một trong những hành động góp phần thay đổi thói quen khi mua hàng cho người dân. Điều này gợi cho chúng ta nhớ lại những hình ảnh quen thuộc cách đây chục năm, khi các bà, các mẹ vẫn hay cắp chiếc giỏ kẹp, làn nhựa hay túi lưới mỗi sáng đi chợ. Thay vì những lá chuối, lá sen dùng để gói hàng, những chiếc túi xốp dùng để thay thế. Người bán chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng, vừa tiện lợi vừa không mất thời gian tìm lá, rửa lá. Người mua dễ dàng di chuyển hàng khi được chứa trong túi ni lông, mà cho dù có đòi hỏi gói hàng bằng vật liệu khác cũng chẳng thể được. Dù nhận thức được túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nhưng người dùng cũng khó tìm thấy một lựa chọn nào khác.

 

Để việc từ bỏ túi ni lông không chỉ dừng lại ở nhận thức, cần phải có vật thay thế, vừa có đủ các tính năng ưu việt vừa khắc phục được các yếu tố gây hại của túi ni lông. Túi làm từ các nguyên liệu sinh học, túi tái chế được xem là đề xuất phù hợp với ý tưởng này. Tuy nhiên với giá thành để sản xuất ra các túi sinh học, túi tái chế cao gấp nhiều lần so với sản xuất túi ni lông như hiện nay, hoặc trước tình hình một thế giới đang đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, đất cần cho việc trồng cây lương thực hơn là trồng cây nguyên liệu cho một ngành nghề khác, việc sản xuất vật phẩm thay thế túi ni lông đang đứng trước một thách thức khá lớn. Do vậy, để đưa túi sinh học, túi tái chế ra thị trường, một cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước được đưa ra là điều hết sức cần thiết.

 

Khi ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, chúng ta dễ dàng tìm thấy túi ni lông có mặt ở mọi nơi. Mặc dù có một đội ngũ đông đảo người làm nghề ve chai thu nhặt ni lông để bán lại cho các cơ sở tái chế, ni lông vẫn tồn tại, vương vãi gây mất mỹ quan đô thị. Do vậy, hoạt động tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng túi ni lông là điều cần thực hiện trước tiên ở các đô thị nhỏ này.

 

Tại siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa, các túi đựng hàng có thể tái sử dụng đã được phát miễn phí một lần cho người mua hàng hoặc được tặng khi doanh số mua hàng đạt mức cho phép. Nhiều băng rôn, biểu ngữ khuyến khích sử dụng túi có thể tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường được treo ở lối vào siêu thị. Mặc dù lượng người đến siêu thị có sử dụng túi tái chế là chưa cao, nhưng điều đó thể hiện sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động giảm thiểu sử dụng túi ni lông.

 

Cuộc chiến với túi nilông còn kéo dài 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa vì việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng không hề dễ dàng. Vì thế, mục tiêu hiện nay mà Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đặt ra là làm thế nào để người dân giảm thiểu sử dụng túi ni lông.

Vì một xã hội tiến bộ, vì một môi trường trong lành, hãy biết từ chối túi ni lông!

 

TH.S LÊ ĐÀO ANH XUÂN

 (Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek