CON CÁ, MỚ RAU... THỜI TĂNG GIÁ
Mọi thứ đều tăng giá – Ảnh: D.T.X
Chị Tâm Thanh (02
Không chỉ chị Tâm Thanh cảm thấy lo lắng trước tình hình đời sống ngày càng trở nên khó khăn mà nhiều tiểu thương tại chợ Tuy Hòa cũng có cùng tâm trạng tương tự. Chị Loan, chủ một sạp rau củ tại chợ Tuy Hòa than thở: Trước đây cả ngày bán cũng lời được vài chục đến cả trăm nghìn đồng nhưng nay, khoản lời chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/ngày là may. Đó là chưa kể có ngày rau bán không hết, hàng bị dạt đến chiều, bán rẻ như cho. Sắp vô năm học rồi mà tiền sách vở, quần áo, học thêm của mấy đứa đều tăng giá…
Nhiều công chức cũng phải ngao ngán trước việc mọi hàng hóa đều đua nhau tăng giá. Chị Minh Tâm, nhân viên văn phòng Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, tháng nào chị cũng khổ sở với bài toán hóc búa cho chi phí gia đình. “Trước đây thỉnh thoảng còn đi mua sắm cho cả nhà hay đi ăn hàng quán, nay thì lâu lâu mới đi một lần vì lương chỉ đủ cho những chi phí tối thiểu” – chị Tâm cho biết.
TRĂM DÂU ĐỔ ĐẦU DÂN THU NHẬP THẤP
Theo thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2006 của Tổng cục thống kê (23-6-2006) giá cả hàng hóa tiêu dùng trong tháng cuối cùng của quý II đã tăng 0,4%, nâng mức tăng CPI từ đầu năm lên 4%. Ngoài ra, Tổ điều hành thị trường trong nước thuộc bộ Thương mại cũng vừa đưa ra dự báo, giá cả hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 7 này, CPI được xem là ổn định nhưng vẫn tiếp tục tăng từ 0,2-0,3%.
Những người đi làm thuê, bán hàng rong và nhất là những người ở quê… còn khó khăn và chật vật hơn nhiều. Chị Huệ, nhà ở xóm Bắc Lý, phường Phú Lâm cho biết dịch cúm gà làm nhà chị điêu đứng nên chị quyết định chuyển sang nuôi heo cho chắc ăn. Không ngờ heo, bò bị dịch lở mồm, long móng. Sợ quá nên bán tháo bán đổ vì vậy mà năm nay đời sống nhà chị trở nên khó khăn. Trồng rau đem ra chợ bán nửa ngày cũng chỉ được 15.000 – 20.000 đồng/ngày đắp đổi qua ngày cho tiền chợ cả nhà 5 miệng ăn. Ngay cả chuyện dự tính cho con đi học hè cũng không làm được, đành hẹn các con chị năm sau.
Anh Nguyên, quê ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng ở TP Tuy Hòa, tâm sự: “Tôi ít học nên có đi đâu cũng chỉ kiếm được tối đa 800.000 đồng/tháng. Ngày nào cũng đạp xe đi - về thì mệt mỏi, sức khỏe không đảm bảo, nhưng thuê nhà thì thu không đủ bù chi. Thôi thì xin làm chân chạy bàn được chủ lo chỗ ăn, ở mỗi tháng kiếm 600.000 đồng để gởi cho vợ nuôi đứa con nhỏ ở quê”.
Dân ở quê đã khổ, những người sống xa quê cũng có chung nỗi lo với họ. Gặp anh Hiếu, dân Thanh Hóa, bán bắp dạo gần khu vực đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ và Quảng Trường 1 Tháng 4 mới thật “hoàn cảnh”. “Tụi tui nhảy vào Sài Gòn được 3 năm đi làm thợ hồ, hút cống… khổ quá rồi chuyển sang bán ve chai, cuối cùng làm nghề bắp dạo này đây. Nhưng Sài Gòn cái gì cũng đắt quá nên chẳng dư bao nhiêu để gởi về quê. Nhảy ra lại đây may ra có dư hơn chút đỉnh. Phải đi từ 3-4 giờ sáng mua bắp, trưa về nấu để 2-3 giờ chiều bắt đầu đi bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm” – anh tâm sự. Nhóm đồng hương Thanh Hóa của anh gồm 8 người, chia nhau các nghề cá viên chiên, bắp rang bơ, bắp nấu, cà rem… Họ thuê nhà trọ chung, trừ các khoản phí sinh hoạt bình quân mỗi người kiếm 700.000 – 1.000.000 đồng/tháng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, những tháng cuối năm giá một số mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế cũng sẽ tăng mạnh trong tháng 7 này. Những dự đoán về việc tăng giá một số mặt hàng trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng chung cho tất cả người tiêu dùng trong cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng.
QUỲNH NHƯ