Thực hiện nghị quyết 03/2000 của Chính phủ về Kinh tế trang trại, Phú Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển đổi các mô hình kinh tế nông - lâm – ngư nghiệp theo hướng tăng dần quy mô, giá trị. Tuy vậy kinh tế trang trại (KTTT) ở Phú Yên vẫn còn những vướng mắc trong phát triển .
HÀNG HÓA TĂNG CẢ SẢN LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ
Hơn năm năm ra đời, nghị quyết 03/2000 của Chính phủ đã thể hiện được tầm chiến lược trong quá trình thúc đẩy sự tăng trưởng của hàng hóa do nông dân làm ra. Ưu điểm của KTTT là giá trị sản xuất hàng hóa lớn; đa dạng hóa được sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, sử dụng nhiều lao động phổ thông và tận dụng, phát huy được tiềm năng đất đai. Do đó, hộ nông dân khi thực hiện mô hình KTTT thường có lợi nhuận cao sau vài năm đầu tư ban đầu.
Trang trại của ông Trần Thanh Tùng (xã Suối Bạc), một trong 39 mô hình KTTT đã được chứng nhận ở Sơn Hòa – Ảnh: Ly Kha
Chỉ tính riêng huyện miền núi Sơn Hòa, hiện đã có 39 hộ kinh doanh theo mô hình KTTT đã được cấp giấy chứng nhận, tạo ra lượng hàng hóa hằng năm trị giá gần 5 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trang trại có lợi nhuận hằng năm lên tới 280 triệu đồng (có 6 trang trại thu lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm). Tính hiệu quả của KTTT đã thấy rõ ở vùng miền núi.
Tiềm năng đất đai cũng được khai thác tương đối tốt. Người nông dân có thể canh tác rất nhiều loại cây trồng, chăn nuôi được nhiều loại động vật có giá trị hàng hóa cao. Chỉ riêng ở huyện Sơn Hòa, 39 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận, sử dụng 420 ha đất lâm nghiệp, 50 ha đất nông nghiệp; diện tích cây trồng lâu năm cũng được nâng lên đáng kể bởi khả năng thu lợi lớn và lâu dài. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển diện tích rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.
Khả năng xen canh cây hàng năm trong đất lâm nghiệp và diện tích đất nông nghiệp được trồng cây hàng năm và các loại hình chăn nuôi gia súc, cá nước ngọt... đã tạo nên sự đa dạng về hàng hóa, giúp người nông dân có thu nhập, tăng cường khả năng đầu tư, tái đầu tư và lấy ngắn nuôi dài. Lợi thế của những mô hình này là nguồn tiêu thụ nông sản ngày càng nhiều hơn. Chỉ tính riêng cây mía, nếu xét tiêu chí 5 ha và giá trị hàng hóa 40 triệu đồng/năm thì số trang trại trong tỉnh cũng khoảng 1.000 trang trại. Với các loại vật nuôi, gần đây thị trường cũng khá ổn định về lượng tiêu thụ.
NHỮNG TRỞ NGẠI CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ
Thế nhưng, KTTT vẫn còn nhiều vướng mắc làm hạn chế khả năng mở rộng đầu tư, phát triển.
Huyện Sơn Hòa không chỉ có 39 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận. Theo con số thống kê từ Phòng Kinh tế huyện, còn đến 683 mô hình chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng cũng đáp ứng được một trong hai tiêu chí về KTTT.
Để làm ra được một mô hình KTTT, nông dân phải đầu tư khá lớn. Trong số 39 trang trại được cấp giấy của huyện Sơn Hòa, vốn đầu tư ban đầu của nhiều trang trại lên tới 350 triệu đồng/trang trại. Nhiều trang trại không phải của nông dân “thứ thiệt” mà là của những người hoạt động ở nhiều thành phần kinh tế khác, hứng thú với cách làm trang trại nên bỏ vốn đầu tư. Ở những trường hợp này, khả năng đầu tư của chủ trang trại thường lớn hơn nông dân nên áp lực về vốn cũng không quá khó. Riêng với nông dân, để hình thành nên một trang trại phải bỏ công sức hàng chục năm trời. Để hình thành được các trang trại, hai ông Đinh Văn Nhân và Trần Văn Bàn cùng ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa đã phải bỏ công sức hơn 20 năm trời.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, người nông dân cần đẩy mạnh sản xuất theo mô hình KTTT, và họ cần rất nhiều khoản đầu tư. Trong khi đó, các chính sách đi kèm với Nghị quyết 03, chỉ cho phép chủ trang trại vay tín chấp tới 30 triệu đồng. Với những khoản đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng thì con số 30 triệu như hạt muối bỏ bể. Chỉ với mô hình kinh tế hộ, chủ hộ tạo được uy tín với ngân hàng cũng vay tín chấp được số tiền trên. Vì vậy mà nhiều mô hình kinh tế hộ cũng chẳng mặn mà lắm với việc được công nhận là mô hình KTTT. Xét trên khía cạnh ưu đãi, KTTT là một sự nâng cấp mô hình kinh tế hộ, nhưng cũng chỉ để cho... “sang” chứ thực tế không giúp được gì cho nông dân (?!).
Nhiều ý kiến cho rằng những tiêu chí về kinh tế trang trại chung đó áp dụng ở Phú Yên là không hợp lý mà cần phải nâng cao hơn nữa tiêu chí về giá trị hàng hóa tạo ra hằng năm của trang trại. Cụ thể là nâng lên mức 100 triệu đồng/năm. Điều này cũng không sai và phù hợp với điều kiện trong tỉnh. Nhưng cùng với giấy chứng nhận KTTT, cần có những chính sách phù hợp hơn, chẳng hạn, các ngân hàng cần nâng mức vay tín chấp của trang trại lên cao hơn nữa để chủ trang trại có thể xoay sở tiền vốn đầu tư cho các mô hình kinh tế của mình.
Ngoài những trang trại nuôi trồng thủy sản bị hạn chế về đối tượng nuôi trồng; các trang trại nông – lâm nghiệp thường rất đa dạng về các loại cây trồng vật nuôi. Qua đó, khả năng chuyển đổi của họ cũng nhanh nhạy hơn. Một khi đã có được giấy chứng nhận KTTT, hiệu quả kinh tế của hộ gia đình đó cũng đã đạt được mức nhất định, đủ khả năng trả nợ vốn vay của ngân hàng.
LY KHA