Thứ Hai, 14/10/2024 12:18 CH
Hành trình đến với lúa hàng hóa
Chủ Nhật, 03/01/2010 07:00 SA

Những năm gần đây, sản xuất lúa chất lượng hàng hóa ở Phú Yên có những bước chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu nhập nông dân. Tuy nhiên, việc “tự sản xuất, tự tiêu” lúa gạo còn khá đậm nét ở các vùng nông thôn Phú Yên.

 

may-gat1100101.jpg

Máy gặt liên hợp trên đồng lúa Phú Yên – Ảnh: N.LƯU

 

CHUYỂN ĐỘNG SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG

 

Đến nay, Phú Yên đã phát triển hơn 57.000ha lúa nước, năng suất bình quân của hai vụ lúa chính là đông xuân, hè thu trên 63tạ/ha/vụ; năm 2009 có sản lượng 337.370 tấn. Phú Yên là một trong những địa phương có năng suất lúa cao trong khu vực.

Gần đây, sản xuất lúa chất lượng hàng hóa bắt đầu phát triển mạnh tại nhiều địa phương ở Phú Yên. Hàng trăm hộ nông dân đã chuyên canh sản xuất giống lúa cấp xác nhận để phục vụ cho sản xuất đại trà lúa đạt năng suất, chất lượng cao. Trong vụ lúa hè thu năm 2009, đã có 81 hộ nông dân ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) tham gia chương trình sản xuất 10 ha giống lúa nguyên chủng N3-05, DH1356, MTL384, An Giang 2. Theo ông Võ Quang Hưng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), từ năm 2007 đến nay hợp tác này đã sản xuất, cung ứng hơn 190 tấn lúa giống cấp xác nhận. Từ đó, năng suất, sản lượng lúa chất lượng hàng hóa bình quân hàng năm trên địa bàn xã An Ninh Tây tăng cao với gần 70 tạ/ha.

 

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống - Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, cho biết, trong 5 năm (2005 – 2009), trung tâm này đã khảo nghiệm, phục tráng thành công, đưa vào sản xuất 16 giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Từ năm 2008, Trung tâm Giống - Kỹ thuật cây trồng Phú Yên đã liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp ở Phú Yên sản xuất giống lúa cấp xác nhận nhằm cung ứng cho nông dân, góp phần nâng cao tỉ lệ sử dụng giống có phẩm cấp, chất lượng tốt; đồng thời tiến hành phục tráng các giống lúa đã được nhiều nông dân ưa thích nhưng đã bị thoái hóa trong quá trình sản xuất. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cũng đã tổ chức cho nông dân sản xuất lúa chất lượng hàng hóa thông qua chương trình BUCAP với hơn 2.300 người tham gia; đồng thời xây dựng ba câu lạc bộ sản xuất giống chất lượng, cung ứng trao đổi giống hơn 63 tấn… Toàn tỉnh đã phát triển hơn 500 máy sạ hàng, 50 máy gặt xếp dãy, 15 máy gặt đập liên hợp. Đến nay đã có 5.000 chiếc máy tuốt lúa được sản xuất tại Phú Yên, đáp ứng gần 100% diện tích lúa tuốt bằng máy…

 

Thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu giống trong thời gian qua làm tăng việc làm, đa dạng hóa các loại giống để sản xuất đại trà lúa chất lượng hàng hóa; bước đầu xây dựng hình thành được mối liên kết mới trong đầu tư phát triển sản xuất lúa chất lượng hàng hóa.

 

ĐỂ SẢN XUẤT LÚA HÀNG HÓA BỀN VỮNG

 

Thực tế đã khẳng định vựa lúa Phú Yên được áp dụng các quy trình thâm canh hiện đại luôn đạt năng suất cao nhất miền Trung. Song hiện nay các tỉnh khác như Bình Định đã đầu tư cho nông dân chuyển biến mạnh mẽ phong trào sản xuất lúa chất lượng hàng hóa với 80% diện tích, Quảng Nam 85%, Thừa Thiên Huế 85%... Trong khi đó, Phú Yên chỉ mới sản xuất lúa chất lượng được khoảng 4% diện tích. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao ở Phú Yên chủ yếu theo gia đình, quy mô nhỏ, chưa ứng dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên sản phẩm làm ra chưa đồng nhất, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả chế biến, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ còn chia khúc, cắt đoạn, chưa có được các mô hình sản xuất gắn với thu mua chế biến, tiêu thụ mang lại hiệu quả cao, bền vững. Đây cũng là những nguyên nhân khiến đến nay Phú Yên chưa xây dựng được thương hiệu cho lúa gạo Phú Yên.

 

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống - Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, cho biết để đạt được mục tiêu chương trình giống đến năm 2015 có 50% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa, ngành nông nghiệp, các sở, ngành liên quan cần triển khai các chính sách cụ thể về phân cấp sản xuất, chứng nhận chất lượng lúa giống các cấp; lập thủ tục đầu tư dự án lúa giống chất lượng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2010 – 2015. Chất lượng lúa hàng hóa được tạo ra bởi quá trình liên tục từ sản xuất - chế biến - bảo quản theo một quy trình nghiêm ngặt. Do vậy, trong thời gian tới, cần hỗ trợ nông dân có điều kiện đầu tư thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng nông sản; cần tăng cường chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, công tác dạy nghề nông thôn, tăng tích lũy vốn, phát triển đầu vào công nghệ tạo chất lượng, gắn kết với các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, nông dân nên trồng các giống lúa dẻo, thơm vào khoảng trên dưới 20% trong tổng diện tích canh tác, còn giống lúa có năng suất cao khoảng 60%, các giống lúa đặc sản địa phương khoảng trên dưới 20%.

 

LUA-HOA-TRI100101.jpg
Các kỹ sư nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng hàng hóa cho nông dân xã Hòa Trị (Phú Hòa)  – Ảnh: N.LƯU

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để đảm bảo yếu tố bền vững trong sản xuất lúa hàng hóa cần có sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà”. Trước hết, nông dân cần tự liên kết lại với nhau để gắn kết với một doanh nghiệp nào đó nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, yếu tố bền vững trong sản xuất, tiêu thụ lúa còn gắn liền với việc dự báo thị trường tốt, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá bán sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho lúa gạo Phú Yên. Người nông dân cần sản xuất lúa theo quy trình IPM, thực hiện “ba giảm, ba tăng”; thực hiện sạ thưa, sạ hàng, bón phân cân đối, áp dụng cơ giới hóa, thu hoạch lúa đúng độ chín, bảo vệ tốt lúa sau thu hoạch... với mục tiêu là tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của lúa gạo hàng hóa trên thị trường. Hiện nay, vấn đề bức thiết của người nông dân là khâu tiêu thụ lúa hàng hóa. Sản lượng lúa ở Phú Yên rất lớn, nhưng bán ở đâu, thời điểm nào, giá cả bao nhiêu là bài toán luôn đặt ra cho người sản xuất. Do vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm là một trong những giải pháp đúng tạo sự liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa người nông dân và các nhà doanh nghiệp.

 

Nhiều nhà kinh tế cho rằng để đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, nhà nước nên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như vạch định chiến lược, tín dụng, thông tin, dự báo, định hướng thị trường xuất khẩu lúa gạo; đầu tư vào xây dựng công trình kỹ thuật để hỗ trợ cho sản xuất lúa hàng hóa, trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy lợi, kế đến là giao thông, máy móc, thiết bị nông nghiệp, nhà xưởng bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản giúp nông dân giảm hao hụt, thất thoát sau thu hoạch... nhằm đẩy nhanh lưu thông lúa hàng hóa, nâng cao giá trị lúa gạo, đem lại lợi ích cho hộ nông dân.

 

 

LƯU PHONG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Háo hức đợi năm Du lịch quốc gia 2011
Chủ Nhật, 03/01/2010 14:30 CH
Dấu ấn kích cầu
Thứ Bảy, 02/01/2010 14:06 CH
Một năm vượt khó
Thứ Bảy, 02/01/2010 07:06 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek