Hiện có nhiều hợp tác xã ở Phú Yên đã sử dụng đất hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Điều này làm cho hợp tác xã gặp khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh và thiếu cơ sở pháp lý một khi xảy ra tranh chấp, thu hồi...
Sân phơi của Hợp tác xã nông nghiệp Đông Hòa An (Phú Hòa) - Ảnh: XUÂN HUY |
Theo Liên minh hợp tác xã Phú Yên, đến nay đã có 67 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện còn 42 hợp tác xã khác chưa có loại giấy tờ này. Ông Hồ Quang Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết: “Nhiều chủ nhiệm không mấy mặn mà với “sổ đỏ” bởi nếu có, hợp tác xã cũng không thể dùng nó để thế chấp vay vốn hay sang nhượng, trong khi quy trình để được cấp sổ đỏ lại khá phức tạp và tốn kém”.
Theo Điều 29 Luật Đất đai, đất để hợp tác xã sử dụng do nhà nước cấp (không thu phí), hợp tác xã chỉ được quyền sử dụng chứ không có quyền cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp. Thế nhưng, thời gian qua, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên phát hiện nhiều hợp tác xã chưa có sổ đỏ đã sử dụng đất không đúng mục đích khi dùng phần đất ấy cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuê làm kho bãi hoặc mở các cơ sở sản xuất. Việc này đã tạo nguồn thu không nhỏ cho các hợp tác xã đó. Trong khi đó, thay vì cho thuê đất, nhiều hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp mở các xưởng chế biến hạt điều, sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, hàng mây tre lá… góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nâng cao tay nghề cho xã viên, như Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) liên kết với Công ty cổ phần Thiên Tân mở cơ sở chế biến hạt điều, giải quyết việc làm cho gần 800 lao động với mức thu nhập bình quân 750.000 đồng/tháng; Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Thành (huyện Đông Hòa) liên kết với Công ty TNHH một thành viên Vật tư tổng hợp Phú Yên đầu tư một cơ sở gia công hàng mây tre đan, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động và xây dựng cơ sở chế biến hạt điều, giải quyết việc làm cho 650 lao động; Hợp tác xã Nông nghiệp phường 9 (TP Tuy Hòa), Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) liên kết với Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên, dành diện tích đất lên đến 4.000 m2 để xây dựng trại ươm giống các loại hoa, cây cảnh, phần nào mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo nhiều chủ nhiệm hợp tác xã, với bình quân diện tích canh tác cây lúa chỉ 500 m2/người, để hợp tác xã tồn tại, phát triển, không còn cách nào khác là phải liên doanh, liên kết, hình thành các cơ sở sản xuất để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho xã viên. Chính vì vậy, nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Hà (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Việc cấp “sổ đỏ” cho các hợp tác xã được thực hiện theo Nghị định 64 của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh việc giao đất, các bộ, ngành trung ương và địa phương phải có một số điều chỉnh để các hợp tác xã có thể sử dụng được hết lợi ích do đất đai mang lại nhằm tự phát triển và phục vụ cộng đồng”. Còn ông Hồ Quang
Trong thời gian qua, Liên minh hợp tác xã Phú Yên đã hướng dẫn các hợp tác xã chuyển từ hình thức cho thuê sang liên doanh liên kết nhằm tạo điều kiện cho 100% hợp tác xã được cấp “sổ đỏ” và sử dụng đất đúng luật. Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Phú Yên, cho biết: “Theo Luật Hợp tác xã năm 2003, các hợp tác xã đều có quyền liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để sử dụng diện tích đất thuộc quyền quản lý. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khuyến cáo các hợp tác xã phải chú ý khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để đến mùa thu hoạch, nông dân có sân phơi lúa, tránh trường hợp không có sân phơi hay phơi lúa tràn lan trên các con đường, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông”.
XUÂN HUY