Thứ Ba, 26/11/2024 04:31 SA
Phát triển sản phẩm du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ
Thứ Tư, 16/12/2009 19:00 CH

Để phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch của vùng, bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch cần được chú trọng đúng mức.

 

Vinh-Xuan-Dai-8.091216.jpg

Du khách tham quan Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Các địa phương cần phát triển các loại hình du lịch khai thác được thế mạnh tài nguyên của vùng để phù hợp với xu hướng phát triển du lịch của thế giới và nhu cầu của du khách gồm: Du lịch tham quan và nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch vui chơi giải trí và du lịch thể thao mạo hiểm. Bên cạnh đó, cần tạo được mối liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng trong công tác xây dựng sản phẩm để vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa tránh sự trùng lặp giữa các địa phương, tạo sức hút đối với du khách trên bình diện vùng duyên hải Nam Trung bộ chứ không cục bộ như hiện nay. Các tỉnh cũng cần chú trọng nâng cấp các khu du lịch mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và nghiên cứu, tạo sự khác biệt trong sản phẩm ở mỗi khu, điểm du lịch, góp phần hình thành diện mạo mới cho du lịch toàn vùng. Bên cạnh các tuyến du lịch nội vùng, cần chú trọng hình thành và khai thác các tuyến du lịch liên vùng, tranh thủ nguồn khách từ các vùng lân cận và từ các trung tâm gửi khách lớn của cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các địa phương cần tổ chức các chuyến khảo sát nhằm xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch của mình với các hàng lữ hành trong và ngoài nước. Một mặt tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong ngành về sản phẩm du lịch, mặt khác, góp phần quảng bá sản phẩm du lịch của vùng đến các công ty lữ hành - những đơn vị mang khách du lịch đến với vùng. Để phục vụ cho năm Du lịch Quốc gia – Phú Yên 2011, một số việc trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch cần được ưu tiên triển khai.

 

Đối với Phú Yên, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang cảnh quan các điểm du lịch biển trong tỉnh gồm khu vực đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô. Đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các bãi tắm đẹp như Bãi Bàu, bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Long Thủy, Bãi Môn, Bãi Xép; các đảo: Nhất Tự Sơn, Lao Mái Nhà, Hòn Chùa, Hòn Yến, Hòn Nưa… Đầu tư mở rộng và nâng cấp các khu vui chơi giải trí hiện có trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng các tour du lịch nội tỉnh, kết nối tour với các địa phương khác trong vùng và với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng khai thác các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh như ngọn Hải đăng nằm trên Mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của đất liền Việt Nam, đèo Cả - Đá Bia và vịnh Vũng Rô gắn liền với di tích Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển, gành Đá Dĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ; đầm Ô Loan đi vào thơ ca với những sản vật nổi tiếng như sò huyết, hàu, sứa, điệp và nhiều loại đặc sản biển như cá ngừ đại dương, tôm hùm, mực, cá… Nghiên cứu xây các tour du lịch chuyên đề tham quan, nghỉ dưỡng biển, chuyên đề du lịch văn hóa, lễ hội, chuyên đề khám phá, mạo hiểm.

 

Đối với các địa phương khác trong toàn vùng; triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đã ký kết với các tỉnh lân cận như hợp tác giữa Bình Thuận với Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác giữa Phú Yên với các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định… Kết nối tuyến điểm du lịch với các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nguyên thông qua tham gia vào chương trình “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”. Liên kết hình thành tuyến du lịch đường bộ theo cung đường mới với khoảng cách và thời gian hợp lý như tuyến từ TP Hồ Chí Minh – Ninh Thuận – Phú Yên - Quảng Ngãi - Huế, tuyến TP Hồ Chí Minh – Ninh Thuận – Đà Lạt – Đắk Lắk – Gia Lai – Phú Yên – Khánh Hòa. Tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến đường lên các tỉnh Tây Nguyên của mỗi tỉnh trong vùng, thông qua đó, khai thác các tour du lịch caravan qua cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên nhắm đến thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương để hình thành các tour du lịch tổng hợp của vùng, các tour du lịch chuyên đề ở từng địa phương nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Nghiên cứu, trao đổi và xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, các lễ hội trên địa bàn thành một chuỗi sự kiện trong năm trước và trong Năm Du lịch Quốc gia, tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, văn hóa của vùng trong những năm tiếp theo, thuận lợi cho công tác xúc tiến quảng bá; tránh tổ chức sự kiện, lễ hội trùng lặp, lãng phí.

 

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch của vùng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng và nâng cấp các điểm du lịch, tuyến du lịch, các tour du lịch cung cấp cho khách, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ cũng hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và tạo sức hút đối với du khách.

 

VŨ THẾ BÌNH

Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek