Sau khi hai trong số sáu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là chủ sở hữu của các sản phẩm nước uống đóng chai trên địa bàn TP Tuy Hòa bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh đã công khai xin lỗi người tiêu dùng, cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh trách nhiệm, cách làm, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nơi súc rửa bình tại một cơ sở sản xuất nước đóng chai ở TP Tuy Hòa. - Ảnh: MINH CHÂU
“Doanh nghiệp đã xin lỗi người tiêu dùng, còn cơ quan chức năng thì sao?”
Sau sự việc các sản phẩm nước uống đóng chai bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh sản xuất trên địa bàn TP Tuy Hòa bị phát hiện, đến nay chỉ mới có hai doanh nghiệp thông qua Báo Phú Yên lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, cam kết khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo tôi, đây chính là tinh thần cầu thị, văn hóa kinh doanh cần có của một doanh nghiệp. Qua sự việc này, người tiêu dùng cảm thấy bớt hoang mang khi mua nước uống đóng chai, đồng thời được củng cố niềm tin khi nhà sản xuất biết xin lỗi người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít người hiện vẫn băn khoăn, liệu thời gian tới, việc quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng sẽ ra sao? Trong việc này, rõ ràng các ngành chức năng cũng có lỗi với người tiêu dùng. Nếu các ngành vẫn chưa có sự phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ, chưa có sự thống nhất cách làm cũng là điều mà người tiêu dùng vẫn cảm thấy chưa an tâm.
NGUYỄN THỊ HỒNG HƯƠNG
(Phường 1, TP Tuy Hòa)
“Cần kiểm tra tất cả các sản phẩm nước uống đóng chai”
Qua sự việc phát hiện, xử lý các sản phẩm nước uống đóng chai trên địa bàn Phú Yên bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, vấn đề đặt ra là còn bao nhiêu sản phẩm nước uống đóng chai không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm? Tại Phú Yên có rất nhiều nhãn hiệu nước uống đóng chai; ai dám chắc rằng trong số những sản phẩm, ngoài 6 nhãn hiệu đã nêu tên trên báo, không có trực khuẩn mủ xanh? Vì vậy, các sở Khoa học- Công nghệ, Y tế cần tổ chức đợt tổng kiểm tra tất cả các mẫu sản phẩm nước đóng chai có mặt trên địa bàn Phú Yên nhằm phát hiện những trường hợp không đạt chất lượng, công khai nhãn hiệu các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tránh. Việc làm này giống như khám bệnh. Nếu con bệnh được phát hiện mầm bệnh kịp thời, điều trị sớm, tích cực thì sẽ hồi phục sức khỏe tốt. Nếu giấu bệnh thì bệnh sẽ càng nặng thêm và đến một lúc nào đó sẽ hết thuốc chữa. Tương tự, với 6 sản phẩm nước uống đóng chai bị phát hiện có trực khuẩn mủ xanh mà báo nêu, nếu cơ sở sản xuất loại sản phẩm đó tôn trọng, có trách nhiệm với người tiêu dùng, tích cực xử lý “sự cố” để đảm bảo chất lượng thì sẽ ít lo hơn những sản phẩm chưa được “kiểm nghiệm”.
LÊ Ý DÂN
(Phường 7, TP Tuy Hòa)
“Nên giải quyết rạch ròi, triệt để”
Tôi quan tâm nhiều đến vụ nước uống đóng chai bị trực khuẩn mủ xanh được thông tin trên Báo Phú Yên thời gian qua; bởi lẽ bấy lâu nay gia đình tôi dùng loại nước uống tiện lợi này, hơn nữa vụ việc trên xem ra vẫn còn nhiều điều khó hiểu. Theo tôi, những đợt thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, mà còn bảo đảm cả uy tín cho các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có chất lượng cao. Không hiểu sao, sau khi có kết quả các sản phẩm nước uống đóng chai bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên lại có ý kiến khác nhau. Ngành Y tế bảo đoàn thanh tra liên ngành “lấn sân” sang kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vốn là phần việc của họ? Thanh tra liên ngành kêu ngành Y tế không thực hiện đúng việc “phúc tra kết quả thanh tra” theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đoàn thanh tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập, đoàn phúc tra do UBND tỉnh chỉ đạo, vậy có gì không rõ ràng trong việc thực hiện để dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cách làm? Cùng một vụ việc có ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn người tiêu dùng nhưng lại xảy ra tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”.
Vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên nên chỉ đạo sát sao hơn để các cơ quan chức năng cần thống nhất cách làm, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai; đồng thời nên có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
NGUYỄN HÙNG THÁI
(Phường
“Mức phạt chưa đủ sức răn đe”
Lâu nay, xử phạt hành chính các cơ sở nước uống đóng chai vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan quản lý đều sử dụng hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, việc phạt tiền còn nhiều bất cập như mức phạt đối với từng hành vi vi phạm không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà nhà sản xuất thu được. Mức phạt còn mang tính đánh đồng. Hễ cơ sở nào có hành vi vi phạm đều bị phạt tiền trong khung quy định, không phân biệt cơ sở vi phạm lần đầu hay nhiều lần, không có sự phân định rõ ràng giữa người vi phạm ở mức độ cao hay người vi phạm ở mức độ thấp. Vì thế, cùng một hành vi vi phạm nhưng cơ sở này sản xuất 100.000 bình nước/tháng hay cơ sở kia sản xuất 1.000 bình nước/tháng thì mức tiền phạt chênh nhau không bao nhiêu, trong khi doanh số của hai cơ sở chênh nhau có thể đến 100 lần. Vì thế cần kiến nghị tăng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, tịch thu phương tiện vi phạm… đối với những cơ sở vi phạm.
Theo tôi, biện pháp để chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là tiếp tục kiểm tra, công khai nhãn hiệu sản phẩm của cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và nâng mức phạt lên nhiều lần mới đủ tính răn đe. Khi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều, thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng.
lsvidan@...