Nông dân Phú Yên đang vào vụ sản xuất rau và hoa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần. Trải qua trận lũ lịch sử, nông dân gặp nhiều khó khăn về vốn và giống, cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Nông dân phường 9, TP Tuy Hòa đang trồng hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán. - Ảnh: Q.ĐẠT
Vùng rau, hoa truyền thống xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) những ngày tháng 10 âm lịch, không khí lao động khẩn trương. Trải qua trận lũ lịch sử, cánh đồng rau hoa ven sông được khoát lên một lớp phù sa màu mỡ, nhưng cũng làm hư hỏng những hạt giống cuối cùng. Năm nay giá giống hoa lay ơn tại Đà Lạt tăng khoảng 50%, đã đẩy chi phí đầu vào lên cao. Ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Ngọc Phước, cho biết: Nếu như năm ngoái, một sào (500m2) trồng hoa lay ơn đầu tư chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng thì vụ hoa năm nay phải đến 9-10 triệu đồng. Thiếu vốn, bà con phải đi vay từ bên ngoài hoặc ngân hàng để làm vì một năm chỉ trông vào một vụ hoa tết, trong khi thời tiết bấp bênh khiến cho nông dân hết sức lo lắng. Ông Nguyễn Sang, nói: Với kinh nghiệm trồng hoa mấy chục năm nay ở vùng đất ven sông, bà con không sợ lạnh, không lo kỹ thuật, chỉ sợ bão lũ gây ngập úng, như vụ hoa năm ngoái hơn 80% hoa bị thối củ và hư hại.
Lo ngại rủi ro và thiếu vốn nên nhiều nông dân thay vì đầu tư trồng hoa tết đã chuyển sang trồng các loại rau ăn lá. Thế nhưng nếu trồng các loại cây ăn lá thông thường thì nhà nhà làm rau, người người trồng rau, khi có sản phẩm chịu cảnh “rẻ như bèo”. Bà Trương Thị Kha, ở thôn Ngọc Lãng buồn rầu nói: Giá phân, thuốc, giống tăng cao, trong khi 1kg xà lách bán không được 2.000 đồng thì lấy đâu ra lời. Trong các loại rau thì hành mang lại lợi nhuận cao nhất, nhưng khổ nỗi vốn đầu tư cao. Bà con đang rất cần sự hỗ trợ để xuống giống kịp thời vụ.
Trong khi đó người trồng hoa ở Bình Kiến, Phường 9 (TP Tuy Hòa) thì đang rộn ràng chuẩn bị cho mùa hoa tết. Hoa ở đây không chỉ cung cấp cho thị trường Phú Yên mà cả các tỉnh lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định với các loại hoa như cúc, mai, quất… Ở phường 9 và xã Bình Kiến hầu như nhà nào cũng trồng hoa và cây cảnh. Từng chậu xếp thẳng hàng, người tưới nước, người phun thuốc, bón phân, uốn nắn tạo kiểu cho cây. Năm ngoái giá trung bình mỗi chậu cúc từ 80.000 - 100.000 đồng. Chậu đẹp giá tới 300.000 đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, năm nay thời tiết thất thường hơn mấy năm trước. Sau trận bão lụt, cây con bị dập, rụng lá nhiều. Khi vừa dưỡng được ít thời gian, cây lại gặp mưa, lạnh liên tục nên chậm phát triển. Để kích thích cây sinh trưởng tốt, ban đêm nhà vườn phải tăng cường thắp điện.
Từ những yếu tố khách quan trên, người trồng hoa Bình Kiến, phường 9 lo ngại năm nay chất lượng hoa sẽ không bằng những năm trước. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường ở Bình Kiến nói: “Nếu giá được như năm ngoái thì bán hết vườn cúc, vợ chồng tôi kiếm lãi cũng được vài chục triệu, còn giá thấp hơn thì phải chịu lỗ bởi vốn đầu tư phân thuốc, tiền công rất cao”.
Để đáp ứng nhu cầu của bà con, từ nguồn giống rau, ngô do Chính phủ hỗ trợ, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên đã có văn bản về việc phân phối ngay 5.800 gói hạt giống rau cho các địa phương trong tỉnh, bao gồm các giống cải xanh, cải ngọt, xà lách, khổ qua, dưa leo... Số hạt giống rau này được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên phân phối các địa phương. Những hỗ trợ này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu giống của nông dân, nhưng cũng đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đối với những nông dân không có điều kiện tái sản xuất, giúp họ cải thiện đời sống, nhất là trong dịp Tết Canh Dần sắp đến.
LÊ BIẾT - TẤN TRỰC